Tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Ninh (SN 1963, trú tại xóm 2, xã Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An) khi ngày đã tắt nắng. Căn nhà càng trở nên thênh thang hơn. “Thằng Hà lại lang thang mô đó chưa về. Có bữa hắn tự về được, có bữa tui phải đi kiếm. Về nhà, nếu mà đầu óc hơi tỉnh táo thì chỉ đòi cơm ăn, còn nếu không ưng cái chi thì đến khổ, nó chửi bới cho đến khi đi ngủ mới thôi”, chị nói. Phan Huy Hà, năm nay 28 tuổi, là đứa con trai độc nhất của chị với liệt sĩ Trường Sa Phan Huy Sơn.
Cùng tuổi, học cùng nhau rồi yêu nhau khi nào không hay. Lấy nhau rồi đổi cách xưng hô cũng khó. Anh nhập ngũ, học nghề y tá được điều vào làm việc tại Lữ đoàn 146, công tác tại Đảo Song Tử Tây. Khi anh đi, chị chưa sinh Hà. Tình yêu được nối dài bằng những cánh thư, bằng những tâm sự của người chiến sĩ Hải quân gửi về quê nhà, nơi có người vợ trẻ và đứa con trai thiểu năng trí tuệ.
Chị gồng mình nuôi nấng con trong muôn vàn gian khó của cái thời bao cấp, trong tình yêu qua những cánh thư của chồng. Hà không lớn lên nổi, chỉ biết ăn ngày ba bữa rồi nằm ọ ẹ. Thương vợ, thương con đứt ruột nhưng anh chỉ biết động viên vợ bằng những lá thư, bằng những món quà và nhiều khi là bằng chính tiêu chuẩn của người lính gửi về. Năm 1987, anh về phép, quà lính đảo là mấy chiếc vỏ ốc xinh xinh anh kỳ công làm thành những chiếc móc chìa khóa. Cô con gái thứ hai tên Trang được hoài thai.
... và tìm niềm an ủi, động viên từ những cánh thư đã úa màu thời gian
Còn 3 ngày nữa mới hết phép nhưng anh nhận được lệnh vào đơn vị để chuẩn bị tăng cường ra đảo Gạc Ma. Ngày anh lên đường trở ra đảo, bằng linh tính của người y tá, anh biết vợ đang mang thai nên hứa: “Tháng 8 sang năm, anh cắt phép về nhà chăm vợ đẻ”. “Nhưng anh ấy không về nữa, con bé Trang không được thấy mặt bố đến một lần…”, nước mắt chị trào ra.
Anh đi chưa được hai tháng thì ngày 14/3/1988, nghe tin trên đài phát thanh về trận chiến ở đảo Gạc Ma, tim chị thắt lại. “Trước đó mới chỉ 3 ngày, anh còn gửi về cho Hà 3 bộ quần áo, chắc tàu chưa ra đến nơi mô”, chị tự trấn an mình. Hai năm sau vẫn biệt tin tức, nỗi sợ hãi đã choán hết tâm trí, đêm về, chị ôm 2 đứa con mà khóc, mà hi vọng rằng chiếc tàu chở anh cùng các đồng đội đã bị dạt vào đâu đó và may mắn sẽ được ngư dân cứu sống. Hay anh bị địch bắt làm tù binh, nếu hy sinh rồi, đơn vị phải báo chứ? Chị sống qua giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời mình bằng niềm tin và hy vọng mơ hồ đó.
Cái ngày xã Diễn Nguyên tổ chức lễ truy điệu cho liệt sĩ Phan Huy Sơn, chị mới thôi hy vọng. Dẫu đã chuẩn bị tinh thần từ trước đó cả 2 năm nhưng chị vẫn đổ ập xuống như thân chuối trước nỗi đau quá lớn. Gượng dậy, đem những bức thư với tâm sự da diết nỗi nhớ thương, với những lời dặn dò “cố gắng thay anh nuôi con”, chị đứng lên vừa làm cha, vừa làm mẹ.
Lá thư viết vội của liệt sĩ Phan Huy Sơn trước ngày ra đảo
Căn bệnh thiểu năng trí tuệ khiến Hà có lớn mà không có khôn. Nhưng có lẽ trời còn thương chị cho nó đi lại được. Ban ngày, Hà lang thang khắp nơi, đến tối mịt, bữa nhớ, bữa quên đường về. Chị sấp ngửa đi tìm con, đưa về tắm rửa, cho ăn. Nó cục tính, vừa lòng thì tối đó chị được yên, nếu không lại quay ra chửi bới, đập phá đồ đạc trong nhà. Có những tối, Hà lên cơn, co rút người không thở được, chị lại trắng đêm ngồi vuốt ngực cho con. Quần quật ngoài đồng với 4 sào ruộng lúa, 3 mẹ con chỉ đủ sống chật vật qua ngày.
Những bộ quân phục của liệt sĩ Phan Huy Sơn được chị cất giữ như báu vật
Anh không về, có nhiều người đàn ông muốn gá nghĩa với chị nhưng tình yêu dành cho anh quá lớn, vì 2 đứa con bé bỏng, vì đứa con tật nguyền chị không đành đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Những lúc cảm thấy đuối sức, sợ mình va vấp trong cuộc sống, chị lại lôi những lá thư đã úa màu ít ỏi còn giữ được ra đọc rồi ôm mấy bộ quân phục của anh mà khóc. Đã biết bao nhiêu lần, những bộ quân phục hải quân của anh thấm đẫm nước mắt của chị nhưng xương cốt của anh vẫn đang nằm đâu đó dưới lòng biển khơi…
“Căn nhà nhỏ này là anh em nội ngoại giúp cho cộng với 15 triệu đồng Bộ Tư lệnh Hải quân tặng. Giờ mưa nắng cũng không đến nỗi phải lo nhưng thằng Hà thì như thế này, con bé Trang thì 3-4 năm dùi mài kinh sử vẫn chưa thực hiện được ước mơ nối nghiệp bố, chữa bệnh cho anh…” chị nghẹn lại, hai hàng nước mắt lại lăn dài trên gò má đã sạm màu thời gian. Hàng chục năm nay chị chỉ có thể cúng vọng cho chồng. Thịt da anh đã hòa tan vào biển cả để thành những con sóng nhỏ vỗ yên đất liền… Làm sao có thể đưa anh về đoàn tụ với vợ con, tâm nguyện đó cứ khoắc khoải trong chị ngót một phần tư thế kỷ…
Theo Dân trí .