Với những đặc tính chữa bệnh riêng, trà gừng mang lại rất nhiều lợi ích về mặt sức khỏe. Uống trà gừng thường xuyên giúp bạn cải thiện quá trình lưu thông máu và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Bên cạnh tác dụng chữa bệnh, trà gừng còn là một thứ đồ uống thơm ngon, rất tuyệt cho buổi sáng những ngày đông lạnh. Hơn nữa, chuẩn bị một cốc trà gừng tại nhà cũng tiết kiệm hơn nhiều so với một tách trà túi pha sẵn mà bạn mua ngoài thị trường. Vậy thì, cách thức để pha chế trà gừng là gì? Thực ra, để pha chế một tách trà gừng hoàn toàn rất đơn giản với nhiều cách thức khác nhau. Bạn có thể sử dụng bột gừng hoặc dùng trực tiếp củ gừng tươi, thậm chí bạn cũng có thể dùng ngay các loại nước gừng đóng chai để pha chế.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn cung cấp cho các bạn một số cách thức đơn giản để có thể pha chế một cốc trà gừng ấm áp, rất tốt cho sức khỏe của mỗi người.
Cách pha chế 1:
Nguyên liệu:
- 1 cốc nước lọc
- 2 muỗng cafe mật ong
- ¾ muỗng bột gừng
- 3 túi trà gói – cho 3 người
- ¾ tách sữa
Cách pha chế:
Trong trường hợp bạn không có gừng tươi, bạn hoàn toàn có thể sử dụng bột gừng thay thế. Ở cách pha chế này, đầu tiên bạn dùng một chiếc chảo nhỏ, đổ nước vào chảo. Đun sôi nước, rồi cho mật ong và bột gừng vào cùng. Sau đó, giảm lửa, đậy nắp chảo và để sôi thêm khoảng 10 phút. Tắt bếp, bắc chảo ra ngoài, nhúng túi trà vào nước gừng đang nóng. Tiếp tục đậy kín nắp chảo, ngâm trà gừng trong khoảng 5 -7 phút. Sau cùng, bạn vứt bỏ các túi bã trà, rót trà ra cốc, cho thêm sữa vào khuấy đều và thưởng thức. Hoặc bạn cũng có thể đun nóng lại nước trà gừng trước khi uống.
Cách pha chế 2:
Nguyên liệu:
- 4-6 lát gừng tươi
- 2 cốc nước lọc
- ½ quả chanh vắt lấy nước
- 1 -2 muỗng cafe mật ong
Cách pha chế:
Cách pha chế trà gừng này rất thích hợp cho những ai đang mắc bệnh về cảm lạnh hay viêm họng. Cắt gừng tươi thành các lát mỏng to bản, vì cắt như vậy hương vị gừng trong tách trà sẽ dậy mùi và thơm hơn. Đổ nước vào chảo nhỏ, thả các lát gừng vào chảo. Đun sôi nước và để sôi nhỏ lửa trong vòng 10 phút. Sau đó, tắt bếp, bắc chảo xuống, rót trà ra cốc, cho thêm nước cốt chanh và mật ong khuấy đều. Cuối cùng là thưởng thức trà khi còn nóng.
Cách pha chế 3:
Nguyên liệu:
- 2 cốc nước lọc
- 2 thìa đường trắng
- 2 thìa gừng tươi nạo nhỏ
Cách pha chế:
Đổ nước vào một chiếc chảo nhỏ, đun sôi nước. Cho gừng tươi nạo nhỏ vào một chiếc cốc, đổ nước sôi vào và ngâm nước gừng trong vòng 10 phút. Sau đó cho thêm chút đường khuấy đều và thưởng thức tách trà của bạn.
Cách pha chế 4:
Nguyên liệu:
- 8 ly nước lọc
- 3 lát lớn gừng tươi
- 1/2 tách đường
- 2 lát quế khô
- 10 túi trà gói
- 2 tách nước cam ép
Cách pha chế:
Trong cách pha chế này, trà gừng nên được uống lạnh, thích hợp như một thứ nước giải khát vào mùa hè. Bạn có thể uống một tách trà gừng lạnh trong bữa ăn và rất tuyệt khi thay thế cho các thứ đồ uống khác. Về cách thức pha chế loại trà gừng này, trước tiên bạn cho nước vào chảo nhỏ đun sôi. Dùng một cốc lớn, cho gừng tươi thái lát, quế khô, đường và trà túi vào cùng. Đổ nước sôi vào trong cốc, ngâm trong khoảng 10 phút. Sau đó lọc bỏ bã, chỉ để lại nước. Thêm nước cam ép và khuấy đều cốc. Đợi cốc trà nguội, đặt trà vào ngăn mát của tủ lạnh, hoặc có thể cho thêm một vài viên đá nhỏ để làm mát cốc trà. Để tách trà gừng mát lạnh của bạn thêm đẹp mắt, bạn có thể rót trà vào chiếc ly cao cổ, sau đó trang trí thêm một vài lát chanh hoặc cam tươi. Như vậy là bạn đã có trong tay một thứ đồ giải khát mát lạnh và tốt cho sức khỏe vào những ngày nhiều nắng.
Trên đây chỉ là một vài cách rất đơn giản và dễ dàng để pha chế một cốc trà gừng. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải những vấn đề về cảm lạnh, ho hay viêm họng, vậy thì hãy làm theo một trong những cách pha chế trên để có được một cốc trà gừng với nhiều công dụng chữa bệnh. Hay đơn giản, bạn cầm trên tay cốc trà gừng chỉ để thưởng thức vị thơm mát của trà và tìm đến trà như một liệu pháp giúp bạn tỉnh táo hơn trong công việc.
Theo amthucbonmua .