Chiều 24/8, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 258 đã chủ trì Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp (Đề án 258).
Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, năm 2015, Ban chỉ đạo đề án 258 đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Nhất là việc thành lập các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo tiến hành tại một số bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện Đề án 258. Qua trao đổi, làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, tổ chức có liên quan, qua đó đã phát hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Đề án. Từ đó, kịp thời có những kiến nghị, giải pháp giúp các bộ, ngành, địa phương khắc phục, giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Các bộ, ngành cũng đã tập trung chỉ đạo, hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm như ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công tác giám định tư pháp (GĐTP), tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho công tác này.
Tuy nhiên, báo cáo của Ban chỉ đạo cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án 258. Đó là, cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương vẫn chưa thật sự quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện triển khai các nhiệm vụ được giao, chưa phối hợp và thông tin có hiệu quả với Bộ Tư pháp, ngành chủ quản trong việc tổ chức, hoạt động và quản lý GĐTP, nhiều cuộc họp về GĐTP không cử cán bộ có thẩm quyền tham dự để phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc; hoạt động kiểm tra của một số đoàn đi giám định còn chưa toàn diện, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa có được những chỉ đạo, đề xuất, kiến nghị giải quyết khó khăn trong các tổ chức, hoạt động và quản lý công tác GĐTP ở bộ, ngành, địa phương có liên quan cho đúng tầm; nhiều nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch về khắc phục các vướng mắc, khó khăn về GĐTP nói chung và án tham nhũng, kinh tế nói riêng chưa được các bộ, ngành thực hiện bảo đảm chất lượng…
Ban chỉ đạo Đề án 258 kiến nghị sớm tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án, qua đó có đánh giá toàn diện về kết quả cũng như khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của đề án; khắc phục khó khăn về GĐTP trong giải quyết án tham nhũng; đề án cấp có thẩm quyền sớm thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về GĐTP; Ban chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chủ quản tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao về GĐTP, rà soát, ban hành quy trình giám định chuẩn trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ tổ chức, cá nhân làm GĐTP…
Phát biểu tại Phiên họp, các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả của công tác GĐTP thời gian qua, nhất là từ khi Luật Giám định tư pháp có hiệu lực; sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban chỉ đạo Đề án 258, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, nhất là các tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu giám định với các cơ quan giám định như công an, toà án, ngân hàng, tài chính, môi trường, y tế… Những chuyển biến và thành tựu rõ rệt trên đã cho thấy công tác GĐTP ngày càng đi vào nề nếp, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục thực hiện Đề án đến năm 2020, BCĐ cần chọn một số bộ, ngành, địa phương có nhiều yếu kém, vướng mắc để kiểm tra, phát hiện khó khăn và giúp tháo gỡ trong công tác này.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về GĐTP, nhất là giám định vụ việc phục vụ cho đấu tranh phòng chống tham nhũng, quy định chặt chẽ về thời hạn trưng cầu giám định, ban hành các quy chuẩn giám định phù hợp với từng giám định như tài chính, xây dựng, GTVT, y tế; xác định rõ cơ chế đánh giá; quy định cụ thể trách nhiệm trong kết luận giám định; quy định các biện pháp xử lý với cơ quan từ chối, né tránh giám định hoặc ban hành kết luận giám định chung chung, không rõ ràng…
Phát biểu kết luận Phiên làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Công tác GĐTP đã có nhiều thay đổi sau khi ban hành Đề án 258. Đó là, nhận thức của các cơ quan chức năng có chuyển biến tích cực, đã thành lập một Ban chỉ đạo ở Trung ương và 49 Ban chỉ đạo ở địa phương, ban hành 36 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp, trong đó quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với công tác giám định, hệ thống giám định được củng cố, kiện toàn ở cả 3 lĩnh vực gồm pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự; cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu về GĐTP; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ thực hiện GĐTP, tăng cường hoạt động giám định, yêu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng… Trong 5 năm thực hiện, hầu hết các nhiệm vụ lớn của đề án đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện, nhất là công tác tiến hành tố tụng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác cải cách tư pháp, nhu cầu giám định tư pháp của các tổ chức, cá nhân trong các quan hệ hành chính, dân sự…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc, khó khăn hiện nay cần sớm được khắc phục. Đó là, chậm ban hành văn bản hướng dẫn, một số quy định không còn phù hợp, các quy định của tố tụng về trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận chưa cụ thể, thực hiện chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở vật chất nhiều nơi còn thiếu, chưa bổ nhiệm đủ cán bộ giám định, công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác GĐTP, chưa tập trung nguồn lực cần thiết để triển khai đề án, chưa phối hợp chặt chẽ việc thực hiện đề án… Do vậy, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ của Đề án chưa được triển khai kịp thời…
Ở một số khâu, công tác GĐTP vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống như trong lĩnh vực tố tụng hình sự đặt ra, ví dụ giám định về tài chính, ngân hàng, xây dựng, pháp y tâm thần, một số vụ trưng cầu giám định còn chung chung, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, mối quan hệ phối hợp chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng giám định nhiều lần nhưng kết quả lại khác nhau. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện toàn diện công tác giám định để bảo đảm tính khách quan, khoa học, minh bạch trong GĐTP.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra những yếu kém trong công tác GĐTP, nhất là thực hiện giám định phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, môi trường, đất đai, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phó Thủ tướng cũng đặt câu hỏi, tại sao lại xảy ra tình trạng kết luận giám định chậm, có những vụ án phải có ý kiến của cấp cao mới đẩy nhanh được tiến độ giám định, khiến dư luận xã hội chưa đồng tình. Giải pháp cho tình trạng này là phải có tính chế tài cụ thể, khi cơ quan trưng cầu giám định đề nghị giám định thì tổ chức giám định phải thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ trả kết luận giám định, nếu từ chối giám định phải có lý do chính đáng, không thể “ngâm” hay từ chối không chính đáng được.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu việc xây dựng các tổ chức giám định độc lập và cán bộ chuyên trách giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng... đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giám định hiện nay.
Chinhphu.vn