"Anh nói vì kinh tế và không đưa cho tôi giữ tiền nên tôi mới ly dị ư? Tôi lấy anh đâu phải vì tiền! Sao anh không chịu buông tha cho tôi", thấy chị không còn giữ được bình tĩnh, chủ tọa cho ngồi xuống, phiên tòa gián đoạn một lúc.
Anh chị còn trẻ, có học, là dân văn phòng. Nỗi đau thể xác lẫn tinh thần theo năm tháng cứ lớn dần lên. Đến một ngày, chị quyết định ra tòa giải thoát cho mình...
Trông chị gầy gò, tiều tụy hơn rất nhiều so với tuổi 30. Giọng chị nghẹn lại khi phải nói lên những lời chua chát: “Anh càng kéo dài thời gian bao nhiêu, tôi càng hận anh bấy nhiêu”. Chủ tọa nhiều lần phải nói lời trấn an chị. Trong suốt phiên tòa, HĐXX vừa hòa giải, vừa cho người chồng đưa ra những giải pháp để thuyết phục vợ quay về.
Năm 2005, chị kết hôn nhưng hạnh phúc chỉ được hai năm đầu. Khi chị mang bầu, cuộc sống vợ chồng bắt đầu rạn nứt. Anh không còn yêu thương, chiều chuộng chị như ngày đầu nữa. Từ những ngày đầu thai nghén cho tới lúc “bụng vượt mặt”, thay vì phải luôn bên cạnh động viên, chăm sóc chị, anh lại trút xuống chị những trận đòn. Trong cảnh ấy, để giữ được cái thai đến ngày sinh nở đã là điều kỳ diệu đối với chị. “Bụng mang dạ chửa, tôi đã núp sau cánh cửa vậy mà anh ta còn đạp tôi đứt cả ngón chân. Nhiều lần tôi phải ôm bụng sang nhà hàng xóm cầu cứu”, chị kể trước tòa.
Cho tới ngày ra tòa, chị chẳng thể lý giải được vì sao cứ vào cuối tuần, ngày lễ thì bất kể 12 giờ trưa hay 11 giờ đêm chị đều có thể bị chồng đánh. Nhiều lần cha mẹ hai bên can ngăn, khuyên nhủ nhưng sau đó mọi chuyện lại đâu vào đấy. Con được hai tuổi, chị dắt con ra thuê phòng trọ ở riêng. Bốn năm trời anh không mua gửi con hộp sữa. Tiền nhà, tiền giữ trẻ, tiền thuốc thang lúc con đau ốm... mọi thứ chị đều phải cáng đáng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người chồng vì muốn níu kéo, thuyết phục chị quay về nên đưa ra giải pháp: “Tôi sẽ giao toàn bộ tài sản cho vợ quản lý, sẽ không vũ phu nữa và sẽ nuôi dạy con”. Chị dứt khoát: “Tôi không đồng ý, bao năm qua tôi đã vì con nên mới cam chịu cho tới hôm nay. Với tính cộc cằn, đứa bé ở cạnh anh sẽ khó phát triển tốt”.
Rồi chị lấy trong túi ra cái latop có nhiều đường nứt toác chứng minh cho HĐXX thấy mình không nói dối. Anh giải thích: “Thưa tòa, tôi còn yêu thương vợ con. Tôi không biết vì sao lại đập chén đũa. Thấy vợ nóng, tôi cũng nóng nên mới cầm laptop đập xuống đường. Hai vợ chồng xô xát, tôi mới lỡ tay đánh vợ chứ không cố ý”.
Chị lại lôi ra một xấp giấy mà anh cam kết sửa đổi với cha mẹ hai bên. Ngày tháng đau khổ tột cùng phút chốc lại hiện về khiến chị càng thêm uất ức: “Tôi không hiểu vì sao anh lại nói thương vợ con. Tôi mất hết niềm tin vào anh rồi. Anh nói vì kinh tế và không đưa cho tôi giữ tiền nên tôi mới ly dị ư? Trời ơi, tôi lấy anh đâu phải vì tiền! Sao anh không chịu buông tha cho tôi”. Thấy chị không còn giữ được bình tĩnh, chủ tọa cho chị ngồi xuống, phiên tòa gián đoạn một lúc.
Trước khi tòa vào nghị án, anh quay về phía chị nói nhỏ: “Mình cùng nhau xây dựng lại hạnh phúc được không em?”. Chị giữ nguyên lập trường xin tòa cho mình được ly hôn.
Trong giờ nghị án, người chồng cố nói điều gì đó nhưng dường như mọi thứ đã quá muộn. Chị không còn muốn nghe bất cứ lời hứa nào từ anh nữa.
Sau cùng, TAND TP HCM đã đồng quan điểm với VKS bác đơn kháng cáo của người chồng, xử y án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình chấp nhận cho chị ly hôn, giao con cho chị nuôi. Bởi theo tòa, họ đã sống ly thân hơn ba năm nay, tòa sơ thẩm đã ba lần hòa giải nhưng không thành, tại tòa người chồng đưa ra những giải pháp để thay đổi tình hình nhưng chị không chấp nhận. Ra khỏi tòa, dưới cơn mưa, mỗi người đi về một hướng...
Theo Pháp luật TP HCM