Chiều tối qua 23.7, tâm bão số 4 cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 710 km về phía đông đông nam. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cường độ bão đã mạnh thêm 1 cấp, mạnh cấp 11-12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13-14.
Dự báo, chiều tối nay 24.7, tâm bão nằm trên khu vực phía bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 250 km về phía đông đông bắc, cường độ bão giảm 3 cấp, xuống chỉ còn mạnh cấp 8-cấp 9, giật cấp 10-11.
Sau đó, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi dọc vùng ven biển phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) rồi đổ bộ vào khu vực các tỉnh đông bắc Bắc bộ. Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, khoảng rạng sáng mai 25.7, bão sẽ đổ bộ vào đất liền, sau đó nhanh chóng suy yếu thành áp thấp, gây mưa.
Từ đêm 24.7, các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7. Các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Trên hệ thống sông Hồng -Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ vừa.
Trên biển, khu vực phía bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 12-13, biển động dữ dội. Vùng biển phía bắc vịnh Bắc bộ từ chiều nay 24.7 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8- 9, giật cấp 10-11, biển động rất mạnh. Khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Hôm 23.7, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn bàn và triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 4. Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ở bắc biển Đông, trong vịnh Bắc bộ, ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa vào nơi trú tránh bão hoặc di chuyển xuống phía nam.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư lưu ý các tỉnh miền núi phía bắc chủ động rà soát các vùng có nguy cơ sạt lở, khu vực có khả năng xảy ra lũ quét.
Thanh Niên