Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND tỉnh xác minh làm rõ những nội dung tố cáo của dược sĩ trung học (DSTH) Trần Thị Kiều Oanh, nhân viên Phòng giám định y khoa thuộc Sở Y tế. Nguyên nhân là do báo Điện tử Petrotimes (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đăng bài “Gương điển hình chống tiêu cực được VTV vinh danh bị buộc thôi việc?”...
Bài 2: Người được vinh danh tố cáo hay vu khống?
NHỮNG NỘI DUNG TỐ CÁO
Sau khi Phòng Giám định y khoa tỉnh ra Thông báo số 115/GĐYK về việc không tiếp tục sử dụng lao động đối với bà Oanh cũng là thời điểm bà Oanh bắt đầu gửi đơn đến nhiều cấp, nhiều ngành, tố cáo ông Đoàn Đức Loát và một số cán bộ, đảng viên của phòng. Đặc biệt, sau ngày 19-10-2012 (phòng tiếp tục ký hợp đồng lao động lần thứ tư), bà Oanh liên tục tố cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí sai sự thật. Không chỉ Báo điện tử Petrotimes mà các báo khác, như: Người lao động, Thanh niên, Cảnh sát toàn cầu, Nông nghiệp Việt Nam, kênh VTV9 Đài Truyền hình Việt Nam... đều đưa những thông tin bà Oanh tố cáo mang tính một chiều, không phản ánh đúng bản chất sự việc.
Bệnh nhân làm thủ tục giám định sức khỏe tại phòng Giám định y khoa tỉnh
Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế và bác sĩ Đoàn Đức Loát, Trưởng phòng Giám định y khoa tỉnh đều khẳng định: Không có cơ quan báo chí nào tới trao đổi về nội dung liên quan đến việc bà Oanh tố cáo. Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông cho biết thêm, sau khi phát tin do DSTH Oanh cung cấp, kênh VTV9 có đặt vấn đề làm việc với Ban giám đốc, tôi đã sắp xếp thời gian trao đổi, nhưng đơn vị này xin hoãn. Lần thứ hai, tôi bận họp ngoài Hà Nội nên ủy quyền cho phòng Pháp chế trả lời. Buổi phỏng vấn này được sở cho ghi hình lại làm bằng chứng (nhân viên Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe thực hiện). Kênh VTV9 tiếp tục phát tin, nhưng ít sử dụng thông tin của buổi làm việc và phần lớn vẫn nghiêng về những nội dung bà Oanh đã cung cấp.
Một số thông tin nổi cộm mà bà Oanh đã cung cấp cho các cơ quan báo chí: Ông Đoàn Đức Loát tổ chức và tham gia đánh bài ăn tiền trong cơ quan; có hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu và nhận tiền hối lộ của người đến khám giám định; ký công văn gửi các công ty cao su xin hỗ trợ kinh phí và in phiếu khám sức khỏe bán cho các bệnh viện tuyến huyện, thị xã nhằm mục đích vụ lợi. Ông Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế cưỡng bức lao động dẫn đến sẩy thai, làm mất khả năng làm mẹ của bà Oanh. Y sĩ Nguyễn Xuân Đô, nhân viên phòng Giám định y khoa dùng ghế sắt đánh bà Oanh gây nứt sọ...
BÀ OANH CÓ TỐ CÁO ĐÚNG?
Theo trình bày của ông Đoàn Đức Loát và các cá nhân có liên quan, như y sĩ Lê Thị Thế, y sĩ Phan Thị Thúy An, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thu Kiên cho thấy, việc đánh bài trong cơ quan xảy ra sau tết Nguyên đán năm 2011. Do số người đến khám giám định ít nên một số nhân viên ở xa nhà không về rủ nhau đánh bài ghi điểm, ai thua thì khao uống cà phê hoặc ăn sáng. Ông Loát cũng thừa nhận, mình có tham gia đánh bài theo hình thức này vào giờ nghỉ, nhưng sau đó không đánh nữa và cấm nhân viên không được đánh bài trong cơ quan. Những người liên quan còn cho biết, đôi khi bà Oanh còn chủ động rủ các chị em khác tham gia đánh bài vào những ngày ông Loát đi công tác hoặc đi học. Như vậy, việc đánh bài theo hình thức giải trí trong giờ nghỉ trưa là có, còn việc bà Oanh tố cáo ông Loát và nhân viên đánh bài ăn tiền là không có cơ sở.
Bác sĩ Tô Đức Sinh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Sở Y tế cho biết: Chúng tôi đã xác minh 3 trường hợp có liên quan đến hành vi tham nhũng và nhũng nhiễu, nhận tiền hối lộ của những người đến giám định như đơn tố cáo của bà Oanh đề cập. Trong đó, một người không có tên trong sổ theo dõi của phòng, một người không còn ở địa chỉ đã nêu (ấp 4, xã Tiến Thành, TX. Đồng Xoài) nên không xác định được. Riêng bà Hà Thị Dung ở tổ 7, ấp 3, xã Minh Thành (Chơn Thành) cung cấp, vào tháng 5-2011, bà được Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé cho đi giám định sức khỏe tại phòng. Bà thấy các nhân viên của phòng hướng dẫn tận tình, tiếp đón niềm nở, không ai có thái độ hách dịch hay vòi vĩnh tiền bạc. Ủy ban kiểm tra cũng đã xác minh những cán bộ tổ chức của các công ty cao su - người trực tiếp đưa công nhân, cán bộ đi giám định sức khỏe định kỳ và tai nạn lao động, họ đều cho rằng: Cán bộ, nhân viên của phòng khám và hướng dẫn tận tình, có thái độ hòa nhã, cư xử chuẩn mực, không ai gây khó khăn, đòi tiền hối lộ.
Đối với việc tư lợi bất chính của ông Đoàn Đức Loát, qua xác minh, đại diện các công ty cao su đóng trên địa bàn đều cho biết, hàng năm các đơn vị này đều trích từ quỹ phúc lợi để tặng các đối tác của công ty, trong đó có phòng. Để có cơ sở chi từ quỹ phúc lợi, các công ty đều đề nghị phòng có công văn xin ủng hộ. Qua xác minh và xem xét sổ thu - chi tại phòng được biết, trong 3 năm (2009-2011), phòng được ủng hộ tổng cộng 54 triệu đồng. Tất cả đều được nhập vào quỹ công đoàn phòng, do công đoàn quản lý, theo dõi thu - chi. Việc thu - chi được thực hiện công khai, minh bạch trước toàn thể cán bộ, nhân viên, có sổ sách theo dõi, ký nhận tiền của từng người, trong đó có bà Oanh.
Việc in phiếu khám sức khỏe bán cho các bệnh viện tuyến huyện, thị xã, qua xác minh được biết, ngày 17-6-2009, Sở Giao thông - Vận tải có Công văn số 221/CV-SGTVT đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế sử dụng mẫu khám sức khỏe chung, giúp sở quản lý hồ sơ của người thi cấp bằng lái xe. Ngày 29-6-2009, sở có công văn yêu cầu phòng thu hồi các mẫu khám sức khỏe cũ và cấp mẫu khám sức khỏe mới theo quy định của Bộ Y tế. Phòng đã in và cung cấp giấy sức khỏe mới cho các bệnh viện tuyến huyện, thị xã. Mặt khác, do các cơ sở tuyển dụng lao động và các trung tâm đào tạo nghề đều yêu cầu, phiếu giám định sức khỏe của người tuyển dụng phải có dấu của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh nên bệnh viện các huyện, thị phải mua của phòng. Bà Trần Thị Lâm, kế toán phòng cho biết: Việc in và bán giấy khám sức khỏe cho bệnh viện các huyện, thị được hưởng chênh lệch từ 200-300 đồng/tờ. Cụ thể, trong 3 năm (2009-2011), số tiền chênh lệch thu được là 64.659.000 đồng. Tất cả đều được nhập vào quỹ công đoàn để chi thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỉ... thu nhập tăng thêm cho cán bộ, nhân viên vào các dịp lễ, tết và hàng năm đều công khai trước đơn vị.
Ngày 25-7-2013, Công an tỉnh đã có Báo cáo số 162/BC-CAT-PC46 về kết quả xác minh đơn tố cáo của bà Oanh. Theo đó, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế, Công an thị xã Đồng Xoài điều tra, làm rõ tình trạng tiêu cực, tham nhũng tại phòng. Trên cơ sở đã xác minh, đơn vị này cho rằng, việc chi tiêu của phòng đúng quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính nên không gây thiệt hại cho Nhà nước. Vì vậy, sự việc không có dấu hiệu tội phạm.
VU KHỐNG TRẮNG TRỢN
Theo Kết luận số 72 TB/UBKTTU, ngày 17-8-2012 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy “... Bà Oanh là nhân viên hợp đồng có thời hạn và nhiệm vụ cụ thể do phòng phân công. Như vậy, phòng là đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng lao động. Bà Oanh bị sẩy thai, phòng đã cho nghỉ theo chế độ BHXH. Cả hai lần nghỉ bà không có đơn xin phép nên phòng không báo cáo cho giám đốc sở biết...”. Do đó, việc bà Oanh tố cáo ông Nguyễn Đồng Thông cưỡng bức lao động dẫn đến sẩy thai, mất khả năng làm mẹ là hoàn toàn không có căn cứ.
Đối với vụ việc của y sĩ Nguyễn Xuân Đô, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 26-6-2012, tại bộ phận y khoa, trong lúc ông Đô và bà Ngưu Thị Ngọc Quyên (nhân viên thuộc phòng) đang làm việc thì bà Oanh đột nhiên hét to lên là bị ông Đô đánh, đồng thời tự nằm ở cửa ra vào, một tay chống xuống đất, một tay cầm điện thoại di động quay phim và gào khóc rất to. Các nhân viên của phòng đề nghị đưa bà Oanh xuống khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, nhưng bà Oanh không đồng ý và nói là không tin tưởng mọi người ở đây, phải chờ người nhà đến giải quyết sự việc. Khoảng 20 phút sau có gần chục thanh niên và phụ nữ đến phòng la lối, đe dọa mọi người. Bác sĩ Loát phải mời Công an xã Tiến Thành và Công an thị xã Đồng Xoài đến hiện trường xem xét, xác minh. Sau đó bà Oanh được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa Thánh Tâm điều trị.
Ngày 2-8-2013, UBND tỉnh có Công văn số 2469/UBND-VX trả lời đơn tố cáo của bà Oanh, một lần nữa khẳng định, nội dung đơn tố cáo của bà Oanh sai sự thật. UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Trưởng phòng Giám định y khoa phải tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý phù hợp đối với người tố cáo và các cá nhân liên quan. Từ những sự việc trên cho thấy, bà Oanh đã lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo và tự do ngôn luận để phản ánh sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đồng nghiệp; gây rối nội bộ, làm mất uy tín của phòng và sở, thể hiện ý thức tổ chức kỷ luật kém. Rất cần có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những hành động sai trái này.
Theo hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Đa khoa Thánh Tâm, tình trạng bà Oanh lúc nhập viện hoàn toàn tỉnh táo, không rối loạn về tri giác. Thương tích ghi nhận chỉ sưng nhẹ đỉnh trán phải, không phù hợp với lời khai bị ông Đô dùng ghế sắt đánh mạnh vào đầu 3 cái rồi xô ngã, đập đầu xuống đất gây nứt sọ như bà Oanh đã nêu. Xét về thời gian, bà Oanh “bị đánh” vào lúc 16 giờ 30 phút, nhập viện lúc 20 giờ 30 phút cùng ngày. Nếu bị chấn thương sọ não, trong vòng 4 giờ không thể tỉnh táo làm việc với công an. Hình ảnh nứt sọ trùng lắp với vị trí nứt sọ trên phim CT-Scan chụp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh năm 2005 và 2011. Theo bệnh án lưu tại bệnh viện, năm 2005, bà Oanh bị tai nạn giao thông, cấp cứu 12 ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) với chẩn đoán: Đa chấn thương - vỡ sàn sọ trước - vỡ xoang hàm trái... sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị tiếp 15 ngày. Ngày 24-7-2011, bà Oanh nhập viện điều trị với lý do nhức đầu, chảy máu tai. Kết quả CT-Scan thấy nứt sọ trán cũ.
Mặt khác, theo Báo cáo số 113/BC-CATX, ngày 15-5-2013 của Công an thị xã Đồng Xoài, thương tích của bà Oanh là 0% (theo kết luận của Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh). Kết quả họp 3 ngành (cơ quan điều tra - viện kiểm sát nhân dân - tòa án nhân dân) ngày 24-1-2013 thống nhất “không đủ căn cứ để xác định anh Đô có hành vi dùng ghế đánh chị Oanh như chị đã trình bày”. Ngày 31-1-2013, Công an thị xã có Thông báo số 68 gửi phòng về việc không khởi tố vụ án hình sự với lý do: “Không có sự việc phạm tội”.
Bài 1: Bất cập trong việc ký hợp đồng lao động
Theo Báo Binhphuoc.