Bực dọc, mệt mỏi, mất máu, cảm giác không được “sạch” luôn khiến phụ nữ mất tự tin, cáu bẳn mỗi khi có kinh nguyệt. Do nội tiết thay đổi, nhiều phụ nữ còn bị đau bụng, đau lưng khiến sức khỏe giảm sút. Liệu pháp ăn uống mỗi khi “đến tháng” dưới đây phần nào giúp các chị em cải thiện sức khỏe.
A giao hấp với trứng gà và sữa: a giao 15g, trứng gà 1 quả, sữa bò tươi 200ml, đường trắng đủ dùng. Cho a giao và đường trắng vào bát, hấp cách thủy trong vòng 15 phút, khi a giao tan hết thì bắc xuống, cho trứng và sữa tươi vào đánh tan là dùng được, nên uống khi nóng, mỗi ngày uống 1 cốc. Thức uống này bổ máu, dùng để điều trị kinh nguyệt không đều, chảy máu tử cung và đau bụng khi hành kinh.
Xương lợn hầm ngó sen, lạc: xương lợn 500g, lạc 100g, ngó sen 250g. Xương lợn rửa sạch, chặt khúc. Ngó sen rửa sạch, thái miếng. Cho tất cả nguyên liệu trên vào nồi, đổ lượng nước đủ dùng, hầm trong vòng 3 tiếng, nêm gia vị là dùng được. Khi ăn, ăn cả nước và cái. Những người có kinh nguyệt nhiều, kinh kéo dài ngày, chảy máu chân răng khi hành kinh nên dùng.
Cháo đương quy, táo tàu: gạo tẻ 100g, đương quy, phục linh 25g, táo tàu 10 quả, đường đỏ đủ dùng. Vo sạch gạo, các vị thuốc trên rửa sạch, cho vào túi vải buộc kín, đổ nước vào nấu lấy nước, bỏ bã. Cho gạo tẻ vào nước thuốc đun thành cháo, cháo chín nhừ nêm đường đỏ vào là dùng được. Có thể ăn món cháo này hằng ngày. Đương quy là vị thuốc điều kinh, có tác dụng bổ máu, đau bụng lạnh, kinh nguyệt không đều. Món cháo trên thích hợp với những người có kinh kéo dài, đau bụng dưới, mất ngủ.
Thịt nạc xào rau kim châm: thịt lợn thăn 100g, rau kim châm 50g. Thịt nạc rửa sạch, thái miếng mỏng, ướp với gia vị, đường khoảng 10 phút. Rau kim châm ngâm nước nóng 10 phút. Cho dầu ăn vào đun sôi, cho rau kim châm vào xào tái rồi cho thịt lợn vào, xào tới chín thịt, nêm gia vị cho vừa là dùng được. Những người có nhiều khí hư, khí hư có màu vàng, kinh nguyệt không đều, đi tiểu nhiều nên dùng món ăn này.
Theo SKĐS