Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 26/10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải giải quyết các vấn đề mà báo cáo nêu, ai vi phạm sẽ bị xử lý.
* Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 26/10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải giải quyết các vấn đề mà báo cáo nêu, ai vi phạm sẽ bị xử lý.
Tìm lại mộ liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh - đó là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng của những người ở lại. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm, xác định danh tính, thông tin liên quan đến hài cốt liệt sĩ, không phải trường hợp nào cũng có thông tin "rõ ràng" khiến thân nhân liệt sĩ cũng còn nhiều băn khoăn, nhất là khi sự tìm kiếm, xác định chỉ dựa trên yếu tố tâm linh và dựa vào các nhà ngoại cảm. Đây cũng là một trong những vấn đề khiến dư luận "nổi sóng" khi hàng loạt các chiêu trò của một số nhà ngoại cảm tự xưng có khả năng tìm kiếm thông tin xác định vị trí danh tính của những bộ hài cốt được cho là của những liệt sĩ đã hi sinh trong chiến tranh bị phanh phui. Để có góc nhìn đa chiều về vấn đề này, đặc biệt là các phương pháp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Đời sống có cuộc phỏng vấn GS.TS. Lê Đình Lương - Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam về tính xác thực thông tin, danh tính liên quan đến di cốt liệt sĩ.
PV: Thưa GS.TS Lê Đình Lương, ông có thể cho biết, để định danh được chính xác hài cốt tìm được cần sử dụng đến những phương pháp nào?
GS.TS. Lê Đình Lương: Có nhiều cách để xác định thông tin có liên quan đến hài cốt liệt sĩ. Tốt nhất là sử dụng các thông tin do đồng đội và gia đình liệt sĩ cung cấp. Tiếp theo là tư vấn các cơ quan hình sự về các thông tin có được từ hình thái bộ hài cốt và những vật dụng mà lúc sinh thời liệt sĩ thường mang theo. Trong nhiều trường hợp, bằng trực quan qua hình thái của xương cũng có thể phân biệt được đâu là hài cốt, đâu là xương động vật. Tuy nhiên, để có một kết quả chính xác nhất thì cần sử dụng các phương pháp công nghệ cao như giám định ADN.
PV: Được biết Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền đã từng giám định rất nhiều mẫu hài cốt do các gia đình tìm được qua phương pháp ngoại cảm. Vậy kết quả mà các nhà ngoại cảm đưa ra có chính xác không, thưa ông?
GS.TS. Lê Đình Lương: Trong thời gian qua, Trung tâm chúng tôi đã tiếp nhận và giám định ADN hài cốt cho hàng trăm trường hợp. Mỗi trường hợp đều kiểm tra chéo với các phòng thí nghiệm có nhiều kinh nghiệm của nước ngoài. Thường kiểm tra với 1 phòng thí nghiệm, có khi với 2 phòng thí nghiệm đồng thời. Nói chung, các trường hợp tìm mộ bằng ngoại cảm thường cho kết quả sai.
PV: GS có thể nói rõ hơn về phương pháp xác định hài cốt bằng ADN?
Giám định ADN giúp xác định chính xác hài cốt liệt sĩ.
|
GS.TS. Lê Đình Lương: Như đã nói ở trên, phải khẳng định lại rằng phương pháp ADN trong giám định hài cốt được công nhận là phương pháp có kết quả chính xác nhất. Tuy nhiên, cũng cần có những điều kiện nhất định, đặc biệt phải tồn tại các phân tử ADN trong hài cốt mới xác định được. Bản thân phương pháp ADN cũng có sự khác biệt về chỉ số chính xác khi tiến hành phân tích. Với ADN của người còn sống, kết quả cho chính xác gần như tuyệt đối (tỷ lệ sai là 2/7 tỷ trường hợp). Với phương pháp ADN hài cốt thì độ chính xác kém đi, phụ thuộc vào hiện trạng của mẫu vật mang phân tích. Với hài cốt, 2 mẫu vật tốt nhất khi phân tích ADN là mẫu răng hoặc xương ngón tay.
PV: Có phải thời gian là yếu tố phá hủy hài cốt liệt sĩ, ảnh hưởng đến "chất lượng" mẫu vật thu được?
GS.TS. Lê Đình Lương: Không phải như vậy. Chính điều kiện mai táng (như mai táng trên đồi khô khác biệt với mai táng dưới nước; điều kiện khí hậu và địa hình khí hậu từng vùng miền) quyết định tới "độ bền" của hài cốt liệt sĩ. Song qua phân tích, nếu còn tồn tại phân tử ADN trong hài cốt là sẽ cho ra kết quả.
Phương pháp ADN cũng có sự khác biệt về chỉ số chính xác.
|
PV: Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rất nhiều về những vụ một số người tự xưng là nhà ngoại cảm lợi dụng lòng tin để lừa đảo. Ông có cảnh báo gì cho người dân, đặc biệt là thân nhân gia đình liệt sĩ ?
GS.TS. Lê Đình Lương: Chúng tôi không có cơ sở để nói có sự lừa đảo này hay không. Tuy nhiên, xuất phát từ góc độ khoa học, chúng tôi không tin là dùng ngoại cảm có thể tìm được mộ.
PV: Xin cảm ơn GS!
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 26/10, trả lời câu hỏi của phóng viên về loạt bài phản ánh nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ thu tiền tỉ, ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải làm rõ các vấn đề, ai vi phạm sẽ bị xử lý.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, lúc 8h15 sáng ngày 28/10, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Trị, VKSND tỉnh Quảng Trị đã công bố quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với vợ chồng Nguyễn Văn Thúy (tức Cậu Thủy, 54 tuổi) và Mẫn Thị Duyên (51 tuổi). Đại tá Nguyễn Huỳnh Đường - Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho biết: 2 bị can Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên cùng trú tại thôn Trác Bút, thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh), bị khởi tố về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ theo Điều 139 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
|
Theo SKĐS