Nơi phòng biệt giam, có những tử tù bị gia đình “lãng quên”. Bởi vậy, quản giáo gần như là người thân duy nhất lo cho họ từng bữa ăn, từng manh áo ấm và lắng nghe những tâm sự rất “con người” của những kẻ đã từng phạm những tội ác khủng khiếp nhất.
Thiếu tá Đặng Trọng Khánh nhiều lần tự bỏ tiền túi hay trực tiếp vận động các tử tù san sẻ thức ăn, quần áo cho những tử tù bị gia đình bỏ rơi.
Những chiến sỹ công an làm nhiệm vụ quản lý các buồng tử tù phải chịu nhiều áp lực, nhất là về tâm lý. Những ngày mới “nhập buồng”, hầu hết các tử tù đều có chung tâm lý hoảng loạn, sợ hãi. Những kẻ ngoài xã hội “coi trời bằng vung”, thế nhưng, khi một mình nằm trong phòng biệt giam, chờ đợi từng ngày thi hành án thì họ bắt đầu sợ hãi. Nỗi sợ hãi đã khiến những kẻ giết người không gớm tay, những ông trùm ma túy xuyên quốc gia khóc lóc thảm thiết.
Chết, ai chẳng sợ, dù đó là những kẻ đáng ngàn lần phải chết. Với những tử tù thường xuyên có người thân thăm nuôi thì việc ổn định tâm lý cho họ đối với cán bộ quản giáo sẽ được san sẻ đi một ít. Nhưng đối với những tử tù, vì nhiều lý do khác nhau mà bị gia đình “lãng quên”, bị bỏ rơi thì công việc của người quản giáo sẽ vất vả hơn rất nhiều.
Lúc này, nhiệm vụ của người quản giáo giống như một bác sỹ tâm lý. Trước hết phải động viên tử tù bình tĩnh và lắng nghe họ tâm sự về những tâm tư của mình. Điều này sẽ khó khăn hơn nếu đơn xin ân xá gửi Chủ tịch Nước của tử tù bị từ chối. Hy vọng về sự sống hoàn toàn tắt, phạm nhân sẽ cực kỳ hoảng loạn và đó cũng là thời điểm người quản tù vất vả nhất. Họ không còn chỉ là người thi hành pháp luật nữa mà phải gần như là người nhà, người thân và là bạn với tử tù.
Có người sẽ nghĩ giữa những người thực thi pháp luật và những kẻ phạm trọng tội làm gì có thứ tình cảm thân thiết ruột thịt ấy? Thế nhưng, đối với những người quản giáo, tử tù cũng là con người. Dẫu tội ác họ gây ra không thể tha thứ nhưng họ đang và sắp phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Vậy thì tại sao không thể mang tình thương đến cho họ những ngày cuối đời?
Tử tù Đặng Văn Thế - người đã được quản giáo Đặng Trọng Khánh quan tâm đặc biệt cho đến khi được giảm án xuống chung thân và chuyển tới trại giam khác.
Thiếu tá Đặng Trọng Khánh (nguyên cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An) cũng đã có một thời gian dài được phân công quản lý buồng tử tù B2, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, kể: “Có những tử tù gia đình hết sức hoàn cảnh hoặc hoàn toàn bỏ rơi người thân của mình khi họ bị kết án và biệt giam. Bởi vậy, rất nhiều phạm nhân hoàn toàn không được gia đình tiếp tế trong khi đó, chế độ dành cho phạm nhân cũng chỉ đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu.
Ví như tử tù Đặng Văn Thế (SN 1974, quê xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, lĩnh án tử hình vì tội vận chuyển trái phép chất ma túy), khi vào phòng biệt giam thì người vợ mới cưới bỏ đi biệt tích, hai người anh vào tù, bố mẹ già yếu, một người anh ở Cửa Lò hiếm hoi lắm mới lên thăm và tiếp tế dăm gói mỳ tôm. Thế thiếu đói quanh năm. Mỗi lần đến kỳ thăm gặp, trong khi các tử tù khác ê hề thịt cá, mỳ tôm, bánh kẹo, lương khô thì Thế chẳng có gì”.
Thiếu tá Đặng Trọng Khánh hay đại úy Phan Viết Phúc, Nguyễn Văn Vinh không ít lần trực tiếp đi quyên góp đồ ăn, quần áo cho những tử tù bị gia đình bỏ rơi hay không còn người thân. Ngoài việc tự mua cho tử từ những đồ dùng thiết yếu, những cán bộ quản giáo này đã vận động những bạn tù giúp đỡ, san sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Có phải lúc cận kề cái chết, con người ta dễ thấu hiểu và thông cảm cho nhau hay không nhưng hầu hết các tử tù đều nghe lời quản giáo và san sẻ phần thịt cá, áo quần, chăn màn của mình cho bạn tù.
Đại úy Phan Viết Phúc: "Dù căm thù cái ác nhưng đứng trước những thiếu thốn vật chất, tình cảm của các tử tù, chúng tôi không thể làm ngơ".
“Trên phương diện của một người chiến sỹ công an, chúng tôi căm thù những tội ác mà những tử tù đã phạm phải. Tội lỗi của họ đã có pháp luật xử lý và họ đã phải dùng chính cuộc sống của mình để đền tội. Nhưng trên phương diện một con người, chúng tôi cũng có những yêu ghét rõ ràng. Đứng trước những thiếu thốn về tình cảm, vật chất của tử tù, chúng tôi không thể làm ngơ. Có thể làm gì trong khả năng, chúng tôi sẽ làm”, đại úy Phan Viết Phúc chia sẻ.
Từ khi vào phòng biệt giam đến nay, đã 2 năm, tử từ Và Xái Đà chưa một lần được người thân thăm nuôi. Và cũng 2 năm đó, từng hộp thuốc đánh răng, từng chiếc dao cạo râu đều do đại úy Phúc “tiếp tế”.
Hay như tử tù Nguyễn Khắc Long (quê Anh Sơn, Nghệ An), trong lúc nóng giận, Long đã tước đoạt mạng sống của vợ và người anh vợ. Từ ngày Long vào tù, đứa con gái duy nhất cũng được gửi vào trại trẻ mồ côi. Long trở thành kẻ không gia đình, không người thân thích. Những ngày chờ đợi trả án, người thân duy nhất của Long, người duy nhất nghe Long tâm sự, và cũng là người duy nhất mua cho Long chiếc màn tuyn, tuýp kem đánh răng cũng chính là quản giáo Phúc.
Không còn ai thân thích ngoài cô con gái đang ở trại trẻ mồ côi, từng tuýp kem đánh răng, chiếc màn tuyn của tử tù Nguyễn Khắc Long đểu được quản giáo Phan Viết Phúc mua cho.
Giữa dãy buồng nhỏ dành cho các tử tù, những bản nhạc mùa xuân réo rắt vang lên. Như đọc được sự ngạc nhiên ở chúng tôi, đại úy Phan Viết Phúc cười: “Chiếc đài này tôi vừa mua. Từ hôm có chiếc đài này, hầu hết các tử tù đều ngoan hơn, ít quậy phá hơn”.
Có những tử tù từ khi vào buồng biệt giam đến khi đi thi hành án đã được cán bộ quản giáo nuôi ăn, mua áo quần mới. Thậm chí, đến cả khi đi trả án, cán bộ quản giáo trở thành người thân duy nhất của họ. Và cũng không ít tử tù đã khóc, bởi cái tình của người quản giáo dành cho họ. Ước nguyện cuối cùng trong cuộc đời, nhiều tử tù chỉ mong được quản giáo đi cùng ra pháp trường để tìm một chút hơi ấm của gia đình. Và tất nhiên, chẳng bao giờ những quản giáo như thiếu tá Khánh, đại úy Phúc, đại úy Vinh nỡ từ chối.
Theo Dân trí