Một số hạng mục của TAND TP HCM hư hỏng sau hơn 130 năm xây dựng. Di tích cấp quốc gia này dự kiến được trùng tu với kinh phí 320 tỷ đồng.
TAND TP HCM là một trong những công trình kiến trúc được đánh giá là độc đáo, do kiến trúc sư Bourard (người Pháp) thiết kế và kiến trúc sư Foulhoux trông coi xây dựng, năm 1881. Bốn năm sau công trình hoàn thành và là nơi xét xử của chính quyền thời bấy giờ. Tòa nhà lúc đầu được xây theo hình chữ H, gồm 2 tầng và một tầng hầm. Mỗi tầng với chiều cao 5,2 m để đón nhận những luồng gió từ không gian thoáng đãng quanh khuôn viên, lùa vào các hành lang, dẫn vào phòng làm việc.
Sau ngày thống nhất đất nước, công trình kiến trúc này được bàn giao cho TAND TP HCM. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua nơi đây trở thành trụ sở làm việc chung của các cơ quan: TAND TP HCM, TAND Tối cao tại TP HCM, VKSND TP HCM và Viện Phúc thẩm 3 - VKSND Tối cao. Hiện, các cơ quan đã bàn giao lại cho TAND TP HCM quản lý. "Cùng với UBND, Bưu điện thành phố, công trình này vẫn giữ nguyên công năng. Nhưng trải qua hơn một thế kỷ sử dụng, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp", ông Thái Văn Tuấn - Chánh văn phòng TAND TP HCM - cho biết.
Khu vực sảnh chính giữa tòa nhà trên tầng hai. Hầu hết công trình được sơn màu vàng đặc trưng, chỉ có một số hạng mục như đường chỉ tường, cửa sổ cầu thang là được sơn màu xanh.
Biểu tượng cán cân công lý được gắn trên tường đối diện lối đi từ tầng hai xuống tầng trệt.
Tượng nữ thần công lý đặt hai bên chân cầu thang ở sảnh chính, tay cầm kiếm tay cầm cán cân - biểu hiện cho sự xét xử công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, theo năm tháng tượng đã bị trầy xước ở nhiều chỗ.
Theo ông Tuấn, từ năm 2002, lãnh đạo tòa đã lên ý tưởng, chuẩn bị hồ sơ xin trùng tu và 4 năm sau được duyệt. Đại diện Sở xây dựng, Trung tâm bảo tồn di tích Sở Văn hóa - Thông tin, Cục di sản văn hóa hướng dẫn thẩm định... sau đó mới chuyển qua Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa phê duyệt. Năm 2012, công trình này được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Cầu thang đá - lối đi chính lên khu phòng xử tầng hai được lát bằng loại đá nhập từ Italy. Tuy một số chỗ đã sứt mẻ nhưng vẫn còn giá trị sử dụng.
Lối đi phụ lên phòng xử trên tầng hai. Đã hơn 130 tuổi nhưng cầu thang gỗ vẫn sử dụng tốt, chỉ một vài bậc thang và phần đầu tay vịn bị vỡ. "Kinh phí dự trù cho việc trùng tu khoảng 320 tỷ đồng và thực hiện trong vòng hai năm. Kế hoạch trùng tu đã sẵn sàng nhưng khó khăn nhất là tìm được nhà thầu có kinh nghiệm và kỹ thuật chuyên môn để thực hiện", Chánh văn phòng TAND TP HCM cho hay.
Nhiễu chỗ trên trần nhà bong tróc vôi vữa, để lộ khung sắt gỉ sét. Một số hạng mục được xây mới trong quá trình sử dụng ở trong và ngoài khuôn viên tòa án sẽ bị đập bỏ để đảm bảo khôi phục công trình về nguyên trạng ban đầu.
Hệ thống máng và ống dẫn nước mưa từ trên mái xuống đã hư hỏng, thấm dột, rêu bám làm đổi màu sơn đặc trưng của công trình.
Nhiều kệ cửa sổ mục nát được cơ quan giám định lấy mẫu, tìm nguyên liệu thích hợp thay thế.
Hệ thống điện, cáp được lắp mới trông như mạng nhện trên trần. "Việc sử dụng các thiết bị mới thay thế sẽ được tính toán kỹ khi trùng tu nhằm tránh tác động đến kết cấu, kiến trúc của tòa nhà", ông Tuấn nói.
Các chuyên gia đã lấy mẫu và giám định thành phần nguyên liệu sử dụng trong việc xây dựng công trình, phục vụ cho công tác trùng tu. Tính từ bề mặt tường vào bên trong lớp gạch có tổng cộng 8 lớp vôi vữa và sơn với những màu sắc và nguyên liệu khác nhau.
Theo Vnexpress