Hoạt động Viện Pháp Y

Tôn vinh những người thầm lặng theo đuổi công lý

3 năm trước | 784

Hoạt động giám định pháp y đã từ lâu được công nhận đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình tố tụng, giúp đảm bảo công lý, quyền lợi người dân, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Chính vì thế, với vai trò là đứng đầu hệ thống pháp y toàn quốc, Viện Pháp y quốc gia đảm đương rất nhiều nhiệm vụ quan trọng để trở thành nơi cơ quan tố tụng, nhân dân đặt niềm tin. 

Tôn vinh những người thầm lặng theo đuổi công lý
 

                     Viện PYQG nhận Huân chương Lao động hạng III năm 2014.

Nơi cơ quan tố tụng đặt niềm tin

Ngày 9/1/2020, Tổ công tác của Công an TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Khi Tổ công tác đang thi hành nhiệm vụ thì nhóm đối tượng sử dụng vũ khí, tuýp sắt, dao, gạch đá… tấn công làm 3 chiến sĩ trong Tổ công tác hy sinh.

Có thể nói đây là vụ việc thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận và báo giới nhất, vì bên cạnh thông tin chính thống còn có rất nhiều luồng thông tin trái chiều do các thế lực phản động tung ra làm cộng đồng hoang mang, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Sau khi xảy ra vụ việc, nhận được quyết định trưng cầu của Công an Hà Nội, Viện Pháp y quốc gia (Viện PYQG) đã ngay lập tức cử các giám định viên (GĐV) nhiều kinh nghiệm lên đường đi làm nhiệm vụ và hoạt động giám định diễn ra xuyên đêm. Kết quả giám định xác định được nguyên nhân tử vong của ông Lê Đ.K. góp phần giải quyết được thắc mắc của Cơ quan cảnh sát điều tra, nhân dân xã Đồng Tâm và bản thân gia đình ông Lê Đ. K. 

Điều đáng nói là xung quanh vụ việc, các thế lực phản động hoạt động dưới danh nghĩa dân chủ đã đưa ra rất nhiều giả thuyết về cái chết của ông Lê Đ. K, nhưng với bằng chứng khoa học cùng với hình ảnh chụp tử thi của ông Lê Đ. K, đã phản bác được các thuyết âm mưu về cái chết này. 

Với 3 chiến sĩ trong Tổ công tác hy sinh, các GĐV của Viện PYQG xác định vì các chiến sĩ bị ngã xuống hố và bị các đối tượng đổ xăng đốt cháy than hóa, cơ thể biến dạng không nhận diện được bằng mắt thường, nên đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhận dạng để giúp nhanh chóng xác định thi thể từng người và đưa các chiến sĩ sớm về với gia đình nhằm giảm thiểu đau thương. 

Có thể nói ở vụ việc Đồng Tâm, với sự đóng góp không thể thiếu của các GĐV Viện PYQG, diễn biến vụ việc đã được soi chiếu dưới bằng chứng khoa học  để góp phần đập tan các luận điệu xuyên tạc, giúp cho công lý được thực thi trong sự tâm phục, khẩu phục của dư luận xã hội. Các hình ảnh, các bằng chứng khoa học do Viện PYQG cung cấp đã trở thành bằng chứng sắt đá giúp cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử và nhận được sự đồng tình của nhân dân. 

Xúc động trước ân tình của các bác sĩ pháp y

“Trong gần 7 năm làm nhiệm vụ hỗ trợ gia đình liệt sĩ, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ nhận thức sâu sắc rằng những thành quả mà Hội làm được nhằm xoa dịu nỗi đau, đền đáp công ơn của các gia đình liệt sĩ luôn có sự đồng hành của Viện PYQG. Đây thực sự là một mạch nguồn cho dòng chảy “uống nước nhớ nguồn” theo truyền thống của dân tộc” là những lời biết ơn sâu sắc mà Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ đã dành cho các GĐV của Viện PYQG trong công tác giám định hài cốt liệt sĩ. 

 Hoạt động hợp tác quốc tế của Viện PYQG được chú trọng để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và trao đổi chuyên môn. 

Năm 2016, Viện PYQG chính thức tham gia Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (gọi tắt là Đề án 150 theo Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Tuy không phải là cơ quan tham gia Đề án 150 từ giai đoạn đầu tiên nhưng Viện PYQG đạt được kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ rất khả quan. 

Dấu chân của GĐV Viện PYQG đã in dấu trên khắp các nghĩa trang trong cả nước từ Nghĩa trang liệt sĩ Bát Xát, Mường Khương... (Lào Cai) cho tới Nghĩa trang liệt sĩ Việt Lào, Nghi Lộc (Nghệ An); Tân Uyên, Bến Cát (Bình Dương).... Từ năm 2016 đến tháng 12/2020), số lượng sinh phẩm hài cốt liệt sĩ Viện thực hiện đi lấy mẫu tại các nghĩa trang liệt sĩ và nhận mẫu từ Cục Người có công là 5.477 mẫu, trong đó đã trả kết quả giám định ADN được 4.015 mẫu.

Đã trả kết quả giám định ADN được 4.015 mẫu – điều đó có nghĩa là rất nhiều gia đình liệt sĩ đã được biết thông tin về con em mình, được đón các anh trở về. Nước mắt vui mừng của nhiều người mẹ, người chị cao tuổi đã rơi xóa tan nỗi lo lắng bấy lâu không kịp gặp lại người thân của mình trước khi gần đất xa trời.

Với các GĐV, để mang đến được niềm vui này, đó là những chuyến đi không quản ngày đêm, nắng gió, cách trở địa lý xa xôi. Đó là những giây phút miệt mài, tỷ mỉ, cẩn trọng từ ngôi mộ đầu tiên đến mộ cuối cùng, cố gắng kiếm tìm dù chỉ mẩu xương nhỏ để có cơ sở xác định danh tính cho liệt sĩ.

Đó là những giây phút nỗ lực khắc phục khó khăn ở phòng thí nghiệm vì có những liệt sĩ đã hy sinh gần 50 năm nên hài cốt đã mủn gần hết, các GĐV phải vê tay từng mẩu đất để tìm từng mảnh xương dù rất nhỏ, thậm chí có mộ chỉ còn duy nhất 2 mẩu răng nên việc giám định không hề dễ dàng.

Xin trích ra đây đôi dòng lá thư của bà Trần Thị Tuyết - con gái liệt sĩ Trần Viết Cáp hy sinh ngày 7/7/1953 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Nhờ sự giúp đỡ tích cực nên thủ tục xét nghiệm ADN của bố tôi rất nhanh. Chỉ sau 10 ngày, Viện PYQG với cách làm việc ân cần, chu đáo, tận tình đã có kết quả ADN chính xác. Khi tiếp xúc, tôi thật sự xúc động trước ân tình của các bác sĩ pháp y…” .

Hành trình không ngừng nghỉ vì công lý

Qua một số câu chuyện vừa được nhắc đến trên đây có thể thấy trong suốt giai đoạn hình thành và phát triển, Viện PYQG đã đạt được rất nhiều thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong tình hình thiếu GĐV, GĐV phải kiêm nhiệm nhiều công việc song công tác chuyên môn không ngừng được củng cố và nâng cao chất lượng và số lượng giám định (tổng số vụ giám định 5 năm từ 2015 đến 2019 là 17.261 vụ), đáp ứng tốt trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu của tổ chức và cá nhân, nhu cầu của xã hội.

 Giám định ADN là một trong những thế mạnh của Viện PYQG.

“Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp, Viện PYQG luôn cố gắng, nỗ lực hết sức để cung cấp bản kết luận giám định kịp thời, chính xác, khách quan và khoa học cho cơ quan tiến hành tố tụng mỗi khi nhận được quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định. Nhờ kết quả giám định của Viện mà rất nhiều vụ án hình sự đã được phát hiện kịp thời, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án nhanh chóng, chính xác, công bằng, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm” – Viện trưởng Viện PYQG Nguyễn Đức Nhự nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Nhự, bên cạnh công tác chuyên môn, Viện PYQG cũng luôn coi đào tạo và nghiên cứu khoa học là những nhiệm vụ quan trọng của chuyên ngành pháp y. Năm 2019, Viện được Bộ Y tế cấp mã số đào tạo liên tục cho cán bộ làm công tác pháp y trong cả nước và được công nhận là cơ sở thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội trong sự hợp tác toàn diện với nhà trường. 

Về công tác nghiên cứu khoa học, trong giới GĐV hay nhắc về vụ phân tích ma túy trong tóc – một trong những nghiên cứu khoa học thành công của Khoa Độc chất Viện PYQG. 

Ngày 2/9/2018, Công an thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhận được tin báo về có một nhóm đối tượng có biểu hiện sử dụng ma túy tại phòng hát karaoke tại một khách sạn thuộc đường Trần Phú, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tổ công tác đội CSĐTTP về ma túy đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có 13 đối tượng có dấu hiệu sử dụng ma túy.

Ngày 16/12/2018, Trần Phạm Trung H và Hồ Trần Khải H là hai trong 13 đối tượng trên đã khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa. Ngày 26/12/2018, Trần Phạm Trung H và Hồ Trần Khải H đã tự nguyện yêu cầu cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Khánh Hòa cho giám định việc sử dụng ma túy của bản thân trong thời gian trước đó. Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành thu mẫu tóc của hai đối tượng trên và gửi Viện PYQG để giám định ma túy trong tóc. 

 Hoạt động lấy mẫu giám định tại hiện trường.

Phân tích tóc rất được chú trọng trong giám định ma túy, nhất là đối với những trường hợp tử vong đã lâu hoặc mẫu dịch sinh học không lấy được. Việc phát hiện ma túy thông qua phân tích tóc sẽ biết được đối tượng đã sử dụng ma túy trước đó vài tuần đến vài tháng phụ thuộc vào chiều dài của tóc. Khoa Độc chất – Viện Pháp y Quốc gia đã nghiên cứu thành công quy trình giám định một số chất ma túy trong tóc phục vụ công cuộc phòng chống ma túy ở Việt Nam.

Với vụ việc Công an tỉnh Khánh Hòa trưng cầu, Khoa Độc chất đã tiến hành giám định ma túy trong hai mẫu tóc trên và đã tìm thấy ma túy tổng hợp Ecstasy trong cả hai mẫu tóc. Kết luận này giúp Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Khánh Hòa truy tố các đối tượng đúng người, đúng tội, tránh được việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

…Nhìn lại 20 năm hình thành và phát triển, một lần nữa có thể nói, các GĐV, cán bộ, người lao động của Viện PYQG có quyền tự hào về những đóng góp tích cực và hiệu quả cho chuyên ngành pháp y và góp phần theo đuổi công lý, đầy lùi oan sai, thượng tôn pháp luật. 

Xuân Hoa

 Theo Báo pháp luật VN

 


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Chuyện ly kỳ đằng sau những tờ kết quả ADN (kỳ II) (22/7)

TS.Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng VPYQG trả lời phỏng vấn VTV1 (7/6)

Chuyện ly kỳ đằng sau những tờ kết quả ADN (7/6)

Viện Pháp y quốc gia – Rạng rỡ chặng đường 15 năm (7/6)

Viện Pháp y Quốc gia đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (7/6)

Khóc cười vì ADN (3/6)

Thông tư 31/2015/TT-BYT và 42/2015/TT-BYT (17/12)

Viện Pháp y Quốc gia kiểm tra công tác pháp y kỹ thuật hình sự (6/11)

Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Bộ Nội vụ, ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2015) (17/8)