Cần hiểu, dùng thận trọng để tránh tai biến hạ đường huyết do insulin trực tiếp hay gián tiếp gây ra.
Hiện nay, insulin được dùng mở rộng hơn trước. Cần hiểu, dùng thận trọng để tránh tai biến hạ đường huyết do insulin trực tiếp hay gián tiếp gây ra.
Muốn tránh hạ đường huyết, người bệnh nếu có nguyện vọng dùng thuốc phối hợp thì phải khám lại bệnh tại các bệnh viện chuyên khoa để được hướng dẫn chu đáo.
Trước đây thuốc tiêm insulin chỉ dùng cho đái tháo đường (ĐTĐ) týp 1, thuốc uống chỉ dùng cho ĐTĐ týp 2. Trong khi đó, trong số người ĐTĐ chỉ có 10% thuộc týp 1, còn 90% thuộc týp 2. Do đó, tần suất sử dụng insulin không cao. Sau 2005, đặc biệt sau khi có hướng dẫn của Hội ĐTĐ Mỹ (2010), việc dùng các nhóm thuốc này có thay đổi. Với ĐTĐ týp 1, giai đoạn đầu chỉ dùng insulin song giai đoạn sau có thể dùng insulin kết hợp với các thuốc uống như acarbose (làm giảm hấp thu glucose). Với ĐTĐ týp 2, giai đoạn đầu chỉ dùng thuốc uống nhưng giai đoạn sau có thể phối hợp với thuốc tiêm insulin. Việc phối hợp như vậy có lợi về mặt điều trị, làm tăng đáng kể tần suất sử dụng insulin, do đó cần dùng đúng để không tăng thêm tai biến do việc tăng tần suất sử dụng này.
Tai biến khi dùng insulin là hạ đường huyết, gọi là sốc insulin. Theo quy ước, hạ đường huyết là đường huyết xuống mức < 70mg/dL, nặng hơn nữa là ≤ 50mg/dL. Người bị ĐTĐ thường bị hạ đường huyết nặng khoảng 1,15 lần/năm; nhẹ 16,37 lần/năm. Hạ đường huyết nặng bị vã mồ hôi, choáng váng, loạng choạng, hạ huyết áp, tim nhanh và loạn, nặng hơn là trụy tim mạch, mất ý thức, hôn mê... có thể dẫn đến tử vong. Hạ đường huyết nhẹ có cảm giác đói, mệt mỏi... cũng có khi biểu hiện không rõ, không nhận biết được, song nếu nhắc đi nhắc lại nhiều lần cũng gây tác hại như hạ đường huyết nặng. Nếu cứ để cơn hạ đường huyết nhẹ lặp đi lặp lại, cơ thể sẽ quen đi với các biểu hiện này, chỉ khi có cơn hạ huyết áp nặng mới nhận biết được thì đã quá muộn.
Thường có 4 nguyên nhân gây hạ đường huyết gián tiếp hay trực tiếp do insulin gây ra:
Do ăn uống, hoạt động thất thường:
Ăn uống làm tăng lượng đường hấp thu vào máu (tăng đường huyết). Hoạt động làm tăng lượng đường tiêu thụ (giảm đường huyết). Dùng thuốc làm tăng dung nạp glucose vào cơ não, vào gan (giảm đường huyết). Điều trị ĐTĐ là phối hợp ăn uống, hoạt động, dùng thuốc hợp lý… để tổng cộng các mức tăng mức giảm đường huyết lại, sẽ có một mức đường huyết ngang với mức bình thường. Nếu vẫn giữ mức dùng thuốc với liều như cũ mà ăn uống thất thường (chậm bữa, ăn ít hơn, bỏ bữa) hay hoạt động quá mức (làm việc quá nhiều, làm việc nặng) thì sẽ bị hạ đường huyết.
Như vậy, muốn tránh hạ đường huyết không chỉ dùng đúng liều insulin là đủ mà còn phải ổn định cả việc ăn uống hoạt động.
Do xử lý không đúng khi bị tăng đường huyết:
Khi bị tăng đường huyết, nếu người bệnh tự ý tăng liều, tăng số lần dùng insulin sẽ có thể dẫn đến tác dụng ngược là bị hạ đường huyết. Việc kiểm soát đường huyết là cần, nhưng không được hạ đường huyết quá nhanh, quá mạnh, không làm hạ đường huyết xuống mức quá thấp, kiểm soát đường huyết bằng biện pháp nào, ở mức nào, do thầy thuốc quyết định.
Muốn tránh hạ đường huyết thì khi bị tăng đường huyết, người bệnh nhất thiết phải nhập viện, tuân thủ mọi chỉ định kiếm soát đường huyết của thầy thuốc.
Do không biết cách tính, cách dùng bút tiêm insulin dẫn tới quá liều:
Phần lớn người ĐTĐ thường có máy đo đường huyết tự động, bút tiêm insulin. Người bệnh có thể tính liều dựa vào thân trọng, điều chỉnh liều phù hợp với bữa ăn. Tuy nhiên, nếu không thạo tính toán, thao tác sai (không trộn đều thuốc, nhầm lẫn khi lấy thuốc cho mỗi lần tiêm) sẽ dẫn đến lấy sai lượng insulin. Nếu lấy quá số lượng cần, sẽ dùng quá liều insulin, dẫn đến hạ đường huyết. Cũng có khi người bệnh tự ý dùng liều dự phòng nhằm tránh tăng đuờng huyết nhưng kết quả mang lại là gây hạ đường huyết.
Muốn tránh hạ đường huyết, người bệnh phải học cách tính, cách dùng bút tiêm insulin thành thạo, không tự ý dùng liều dự phòng.
Do phối hợp insulin và các thuốc ĐTĐ khác chưa đúng:
Khuyến nghị chung với ĐTĐ týp 2 là nên dùng sớm insulin (khoảng sau khi mắc bệnh 10 năm). Tuy nhiên, muốn xác định đúng thời điểm dùng insulin thì phải xác định được mức suy yếu tuyến tụy. Điều này không phải tuyến y tế nào cũng làm được mà phải do các cơ sở chuyên khoa (có thầy thuốc kinh nghiệm, có khả năng xét nghiệm).
Thông thường trong ĐTĐ giai đoạn cuối hay phối hợp insulin với metformin. Do metforin có khả năng hạ đường huyết thấp (chỉ làm giảm lượng glucose sinh ra từ glycogen), nên việc phối hợp này ít khi gây ra hạ đường huyết chung, dễ thực hiện.
Trong thực tế ở ĐTĐ týp 2, giai đoạn sau, thầy thuốc cũng có cho phối hợp insulin với sulfonylure với mục đích tận dụng khả năng của tuyến tụy để giảm mức đề kháng insulin, từ đó có thể giảm liều dùng insulin. Nhiều nghiên cứu cho biết việc phối hợp này thường đạt được mục đích đề ra trên. Tuy nhiên, đây là một phối hợp khó, nếu tính không khéo liều mỗi thành phần thì khi phối hợp có thể gây ra hạ đường huyết. Khi phối hợp mà gặp sự cố hạ đường huyết, thì phải tính lại liều phối hợp, trước tiên phải giảm liều insulin theo chỉ định của thầy thuốc. Người bệnh cần lưu ý: đây là một phối hợp khó, thầy thuốc thường chỉ định cho người bệnh biết dùng thành thạo thuốc (biết dùng thành thạo bút tiêm insulin). Trên thị trường, có loại thuốc phối hợp sẵn (insulin + sulfonylure) với hàm lượng ổn định, chỉ dùng được cho một số người (theo sự chỉ định của thầy thuốc), không nên tự ý mua dùng (vì chưa chắc đã phù hợp với mình).
Theo SKĐS