Tin tức khác

Từ nọc độc thành thuốc chữa bệnh

10 năm trước | 1120

Nọc độc của các loài rắn, ong, bọ cạp, cóc, nhện... có thể cướp đi sinh mạng con người trong chốc lát. Tuy nhiên, khoa học đã biết cách tận dụng chính những chất độc này giúp chữa một số bệnh hiểm nghèo. Ngày càng có nhiều độc tố được dùng làm tiền chất để điều chế các loại thuốc có khả năng cứu sống con người. 
Từ nọc độc thành thuốc chữa bệnh
Nọc rắn
Nọc của rắn gây độc cho đối tác theo cơ chế gây loạn thần kinh, đặc biệt là cơ quan kiểm soát việc hô hấp và tuần hoàn, dẫn đến co rút cơ bắp, nôn ói, co giật và tê liệt. Tác động lên máu hay mạch máu, phá hủy tế bào máu, gây xuất huyết hoặc làm đông máu khiến nạn nhân chết do tắc mạch. Ngoài ra, nọc rắn tấn công và hủy hoại mô cơ, gây hoại tử và bộ nhiễm. Tuy nhiên, y học đã dùng nọc rắn để chế tạo huyết thanh kháng nọc, chữa cho những người bị rắn cắn. Khoảng 400 loài rắn có nọc độc và huyết thanh chế từ loài nào chỉ chữa được cho người bị loài rắn đó cắn. Hiện gần 100 quốc gia đã chế tạo trên dưới 200 loại huyết thanh. Việt Nam đã điều chế thành công loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, lục tre, hổ chúa và chàm quạp.
Nọc rắn còn được dùng chế các thuốc giảm đau, chống viêm trong thấp khớp, đau cơ, đau dây thần kinh... dưới dạng tiêm hay thuốc mỡ.
Nọc rắn độc hổ mang ở Brazil có chất captopril gây hạ huyết áp rất nhanh khiến con mồi bủn rủn, tê liệt. Các nhà khoa học đã mô phỏng và chế tạo được chất này để chữa trị bệnh tăng huyết áp.
Loại nọc độc làm đông máu được ứng dụng chế tạo thuốc cầm máu, chống chảy máu nội tạng.
Từ nọc độc của rắn hổ mang, các nhà khoa học đã trích ra một chất có tên là contortrastin, có khả năng khống chế tế bào ung thư, làm chậm sự lan truyền của các khối u. GS. Manjunatha Kini từ Đại học quốc gia Singapore cho biết, thuốc giảm đau điều chế từ nọc độc của hổ mang chúa có hiệu quả cao gấp 20-200 lần so với morphin.
Chiết xuất nọc độc từ bọ cạp.
Chiết xuất nọc độc từ bọ cạp.
Thuốc giảm đau từ nọc độc cá nóc
Những người đầu bếp có kinh nghiệm biết làm cách nào để loại bỏ phần chứa chất độc tetrodotoxin gây chết người trong cá nóc, chất này phá vỡ hệ thần kinh và gây tê liệt cơ quan hô hấp và nhịp tim.
Các nhà y học đã dùng chính loại nọc độc này để điều chế thuốc giảm đau mạn tính, thường được dùng trong hóa trị liệu. Các nhà nghiên cứu từ trung tâm ung thư John Theurer đã phát hiện ra rằng hiệu quả giảm đau từ chất độc trên cao gấp 3.000 lần so với morphin, mặt khác nó không gây tác dụng phụ.
Thuốc chống đông máu từ nọc độc của ve
Nọc độc có trong loài ve là tiền chất tuyệt vời để sản xuất thuốc chống đông máu. Các nhà khoa học đang phát triển một loại thuốc có tác dụng mạnh hơn 70 lần so với các chất làm đông máu tự nhiên sẵn có trong cơ thể người.
Thuốc kiểm soát mạch máu từ nọc độc của ếch
Thuốc này cũng có thể dùng để điều trị ung thư, bệnh tiểu đường do mạch máu mất kiểm soát, chất chống gây tổn thương võng mạc và viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, sự tuyệt chủng của hàng loạt loài ếch đang đe dọa nguồn cung cấp tiền chất để điều chế các loại thuốc này.
Thuốc mau lành vết thương từ nọc độc của cóc chuông
Loài cóc này tiết ra mồ hôi có lẫn chất độc. Một số protein có trong mồ hôi của chúng có thể dùng để chữa lành vết thương. Các peptit trong protein giúp tăng cường sự phát triển mạch máu và nó làm giảm sự phát triển của mô sẹo bằng cách tăng tốc quá trình lành vết thương.
Nọc độc của bọ cạp
Nọc rắn đã đắt nhưng nọc bọ cạp còn đắt hơn, muốn có 1g nọc phải lấy từ 8.000 con bò cạp (mỗi con chỉ lấy một lần). Trong nọc độc bọ cạp có chất katsutoxin (còn gọi là butothoxin). Độc tính của nọc bọ cạp đối với thần kinh giống như nọc rắn. Nọc bọ cạp khiến nạn nhân đau đớn dữ dội kèm theo nôn mửa, tăng huyết áp, co giật và hôn mê. Có loại ngăn cản xung động thần kinh từ não xuống cơ bắp và cơ quan khác, gây tê liệt; có loại gây co cứng cơ, dẫn đến tử vong.
Nọc bọ cạp được dùng để điều trị những rối loạn của hệ thần kinh.
Loại thuốc mới được tinh chế từ loài nọc độc bọ cạp xanh ở phía Tây Cuba, có thể dùng điều trị các bệnh ung thư gan, vú, não, tuyến tiền liệt và ung thư phổi.
Nọc ong
Những người nuôi ong thường không bị thấp khớp vì trong quá trình tiếp xúc với ong, họ không thể tránh khỏi một vài lần bị ong đốt. Từ thực tế này, các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện nọc ong có khả năng chữa bệnh khớp. Họ chế tạo được dược phẩm chứa mellitine có tác dụng kháng viêm giảm đau mạnh gấp nhiều lần hydrocortison, dùng trong bệnh thấp khớp. Melltine còn được dùng trong phẫu thuật chỉnh hình và thẩm mỹ để làm các tế bào mịn màng hơn khi trở thành sẹo.
Các nhà khoa học đang hy vọng chế tạo từ nọc ong một loại vaccin chống dị ứng - căn bệnh tăng rất nhanh trong 20 năm gần đây.
Vaccin chế từ nọc độc nhện
Chất độc neurotoxin của nhện gây khó thở, đau đớn, tim đập nhanh và có thể làm chết người. Neurotoxin của nhện Latrodectus mạnh gấp 15 lần nọc rắn đuôi chuông.
Từ nọc độc của loài nhện ở Chile, các nhà khoa học Mỹ bào chế ra một chất có tên là Gs. Mtx-4 giúp điều hòa nhịp tim của những con vật thử nghiệm nhằm chế tạo một loại thuốc chữa rung tim.
Loài nhện cư sĩ và nhện nâu chứa độc thuộc họ nhện Loxosceles, có môi trường sinh sống ở Bắc và Nam Mỹ, châu Phi, Australia và một vài vùng ở châu Âu. Loài nhện này được xem là loài nhện lớn nhất thế giới. Vết cắn của chúng hầu như không đau nhưng nọc độc của chúng lại có thể để lại những vết lở loét diện rộng và những tổn thương hoại tử da và dẫn đến tử vong. Đây cũng là loài nhện duy nhất thế giới làm cho da chết theo cách này. Trong một số ít trường hợp, khi mà người bị cắn không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ chết do suy nội tạng.
Để giải độc, người ta phải tiêm vaccin được làm từ chính nọc của những con nhện độc. Quy trình sản xuất là nọc độc được vắt từ hàng ngàn con nhện nâu, sau đó tiêm vào cơ thể ngựa. Sau đó, cơ thể ngựa sẽ sản sinh ra các kháng thể kháng nọc độc - đây chính là chiếc phao phòng độc cho con người. Tuy nhiên, bên cạnh việc sinh kháng thể kháng nọc độc, cơ thể ngựa cũng sản sinh các chất khác gây ngộ độc cho cơ thể, làm cho tuổi thọ của ngựa từ 20 năm bị kéo ngắn xuống 3 - 4 năm.
Để khắc phục nhược điểm của quá trình tạo vaccin từ nọc độc của nhện, các nhà khoa học đã tạo ra nọc độc tổng hợp nhân tạo - tương lai của vaccin chữa bệnh. Đây là một bước đột phá trong công nghệ nọc độc hứa hẹn sẽ làm giảm đáng kể sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp chống nọc độc trên động vật.
Bằng cách tạo ra một bản sao nhân tạo thành phần nọc độc hoạt động, có nghĩa là những con nhện sẽ trở thành sinh vật thừa trong quá trình này và những con ngựa tuy vẫn là vật cần thiết nhưng loại nọc độc nhân tạo sẽ hoàn toàn vô hại đối với chúng, lũ ngựa vẫn sẽ sản sinh chất chống nọc độc trong máu của chúng nhưng không sinh ra tác dụng phụ gây ngộ độc như cách tiêm vào cơ thể bằng nọc độc thực sự như hiện nay.
Vaccin tiềm năng này được xem là một đột phá nổi bật cho khoa học nhưng cũng cần thêm thời gian để nghiên cứu tính khả thi của vaccin này.            
 
 ThS. Nguyễn Thu Hiền
  
Theo SKĐS

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Danh sách thực phẩm tồi tệ làm phí công tập Gym của bạn (12/5)

Hà Nội: Chiếc điện thoại "tố" nơi ẩn nấp của kẻ sát nhân (12/5)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày (11/5)

Tại sao khi uống rượu không nên ăn thịt (10/5)

2 người tâm thần đâm nhau chết ở bệnh viện (10/5)

Nam thanh niên giết bạn, giấu xác trong rừng cao su (10/5)

Xác định nguyên nhân ban đầu trẻ 2 tháng tử vong sau khi tiêm vaccine (10/5)

Trẻ 11 tuổi tử vong vì bị bệnh dại do mèo cào (10/5)

Uống gì vào buổi sáng để tốt cho sức khỏe? (6/5)