Sau khi Báo ANTĐ số ra ngày 22-4 đăng bài “Tình tiết báo ứng với kẻ sát nhân”, tòa soạn nhận được nhiều thông tin phản hồi từ bạn đọc bày tỏ sự lo ngại trước các vụ án mạng trong gia đình ngày càng tăng. Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú - Giám đốc Trung tâm tham vấn sức khỏe tâm thần với phân tích khá đầy đủ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này...
Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm
Theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, nguyên nhân dẫn đến các vụ trọng án trong gia đình chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn do tranh chấp tài sản, tình ái, kinh tế gia đình khó khăn, đời sống tình dục không được thỏa mãn, người chồng hoặc vợ mắc vào một số tệ nạn xã hội như nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, ngoại tình, ghen tuông… Khi những mâu thuẫn không được giải quyết triệt để sẽ tích tụ theo thời gian, đến một thời điểm nào đó, chỉ cần một tác động nhỏ, xung đột, án mạng sẽ xảy ra.
Trong vụ việc diễn ra ngày 20-4 vừa qua tại phường Gia Thụy, quận Long Biên, bà Phạm Thị Thu H (SN 1969), quê Bắc Giang, Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Việt Nam bị chồng là Đoàn Thạch Cương (SN 1966) sát hại. Theo thông tin ban đầu, chỉ vì Cương đòi khoản tiền 50 triệu đồng nhưng bà H nói không có nên Cương đã tấn công bà H.
Điều đáng nói là những vụ việc trên không phải hi hữu. Trước đó, tại TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh cũng xảy ra vụ án mạng khiến ông N.N.X (SN 1972) tử vong tại chỗ, bà T.T.H (SN 1978) bị thương nặng. Theo thông tin ban đầu, sau khi kết hôn, ông X và bà H có với nhau 2 người con trai nhưng kinh tế khó khăn. Do ông X không chí thú làm ăn, mê bài bạc, rượu chè nên hai người hay xảy ra cãi vã. Do vậy, bà H đã chuyển sang sống cùng vợ chồng người em ruột. Tức giận vì bị bỏ rơi, ông X đã ôm theo mìn tự chế đến nhà em vợ để nói chuyện. Sau một hồi to tiếng, ông X kích kíp nổ đòi tự tử cùng bà H. Khối mìn phát nổ khiến ông X chết tại chỗ, bà H bị gãy 1 cánh tay.
Trong các vụ việc đau lòng đã xảy ra, không chỉ có người vợ mà người chồng cũng có thể trở thành nạn nhân. Cuối tháng 11-2014, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Min ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi 14 năm tù về tội giết người. Nạn nhân trong vụ án là ông P.V.N (48 tuổi, chồng bà Min). Nguyên nhân là khi bà Min đang uống rượu ở nhà em họ thì ông N tới gọi vợ về đi làm nhiều lần nhưng bà Min vẫn tiếp tục uống. Ông N bỏ đi thì bị bà Min cầm dao chạy theo đâm vào tim khiến ông N tử vong. Trước đó, tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thị Doan (SN 1976) đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra hành vi sát hại chồng là ông T.V.H (SN 1967).
Niềm tin lung lay, tình cảm thiếu bền chặt
Cũng theo Tiến sỹ Cẩm Tú, một lý do nữa khiến những người chồng (hoặc vợ) sẵn sàng tước bỏ mạng sống của người đã từng “đầu gối, tay ấp” với mình là do kết hôn vội vàng khi chưa tìm hiểu kỹ, niềm tin vào hạnh phúc gia đình bị lung lay, cuộc sống bấp bênh, tình cảm vợ chồng, con cái thiếu sự bền chặt, sự chênh lệch về trình độ, nhận thức… Do đó, khi tự ái bản thân bị động chạm, họ dễ dàng cáu giận, mắng chửi, đánh đập lẫn nhau… Bên cạnh đó, do nền tảng tâm lý và nhân cách của một số cá nhân có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường bạo lực từ nhỏ nên khi có xung đột họ thường có xu hướng chống lại bằng bạo lực.
Với những vụ án mạng xảy ra do mâu thuẫn gia đình, ngoài hậu quả về mặt pháp lý, hậu quả về tâm lý thường rất nặng nề. Về phía những người vợ, không ít chị em có thái độ chấp nhận và cam chịu khi bị bạo hành. Điều này sẽ tạo điều kiện cho hành vi hung hãn, bạo lực của người chồng ngày càng gia tăng. Còn người vợ, đến một lúc nào đó, khi vượt quá khả năng chịu đựng, họ sẽ phản kháng lại bằng một hành vi bạo lực khác với mức độ vô cùng mãnh liệt nên án mạng dễ xảy ra.
Thực tế cho thấy, trong hầu hết các vụ việc, hung thủ đều bị dồn nén tâm lý đến đỉnh điểm. Họ rơi vào trạng thái mất kiểm soát và trong đầu chỉ còn duy nhất suy nghĩ phải hành động để trả thù. Trong hoàn cảnh đó, để ngăn chặn án mạng, đối tượng cần được giải tỏa bức xúc tâm lý ngay lập tức. Người vợ hoặc chồng cần nhanh chóng làm dịu tình hình bằng cách ngừng cằn nhằn, chì chiết, lái sự chú ý của đối tượng sang một vấn đề khác càng nhanh càng tốt…
“Trong mối quan hệ tình cảm, gia đình không thể tránh phát sinh những mâu thuẫn. Tuy nhiên, hành vi tước đoạt mạng sống của người bạn đời là điều không thể chấp nhận được và cần bị xử lý nghiêm. Song, để tránh xảy ra những vụ việc đau lòng tiếp theo, mỗi người cần nhớ câu “cơm sôi, bớt lửa”, nên kiềm chế bản thân, cố gắng giữ tỉnh táo để không đẩy mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, kẻo hối không kịp”- Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú khuyến cáo.
Theo ANTĐ