Bán đảo Thủ Thiêm nằm ở vị trí như một trái tim của Sài Gòn và là khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của một đô thị 10 triệu dân.
Với diện tích 737 ha, Thủ Thiêm nằm ở ví trí chiến lược bên trong vành đai tăng trưởng Đông bắc của TP HCM. Nhờ vị trí độc đáo ở đối diện và chỉ cách khu vực lõi trung tâm lịch sử quận 1 một đoạn ngắn của sông Sài Gòn, bán đảo này được chọn là trung tâm tổng hợp mới, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của một thành phố 10 triệu dân cùng lượng lớn người vãng lai.
|
Bán đảo Thủ Thiêm được bao quanh bởi sông Sài Gòn. Ảnh: Google maps
|
Giới kiến trúc sư cho rằng, chỉ nhìn trên bản đồ cũng có thể thấy lợi thế của Thủ Thiêm khi nó nằm ngay giữa khu vực trung tâm TP. Theo quy hoạch, bán đảo này có vị trí rất thuận lợi về giao thông vì là cửa ngõ, điểm đầu của nút giao thông xa lộ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc. Đại lộ Đông Tây đi qua bán đảo Thủ Thiêm nối liền các tỉnh miền Tây với miền Đông Nam bộ, nối với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, tạo sự kết nối với bên kia bờ sông Đồng Nai. Ngoài ra, khoảng cách từ bán đảo Thủ Thiêm đi sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) trong tương lai cũng không phải là quá xa khi lưu thông bằng xa lộ.
Trao đổi với VnExpress, PGS. TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng nghiên cứu phát triển TP HCM (nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP) cho biết, ý tưởng mở rộng trung tâm thành phố sang Thủ Thiêm có từ trước năm 1975 khi bán đảo này được xem như quỹ đất dự phòng để mở rộng trung tâm Sài Gòn với quy mô dân số ngày càng tăng.
Theo ông Hòa, trung tâm hiện hữu của TP trên địa bàn quận 1, 3 được quy hoạch, xây dựng từ thời Pháp cho một đô thị khoảng 500.000 đến 2 triệu dân. Song hiện nay dân số đã đông hơn rất nhiều, buộc TP HCM phải mở rộng khu trung tâm mới có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thành phố đã quyết định mở rộng không gian trung tâm hiện hữu sang Thủ Thiêm và xem nó là hạt nhân cho sự phát triển của thành phố trong thế kỷ 21.
|
Phối cảnh bán đảo Thủ Thiêm. Ảnh: Sasaki
|
"Nghiên cứu, phân tích chức năng của trung tâm thành phố, chúng ta rút ra cái gì đã được và cái gì chưa đảm bảo cho một thành phố quy mô trong tương lai. Những thứ chưa có đó là quảng trường, cây xanh, bảo tàng, nhà hát và một số công trình công cộng khác. Để giải bài toán này chỉ có thể quy hoạch một khu trung tâm mới", ông Hoà nói.
Từ kết quả nghiên cứu đó, năm 2003 thành phố đã tổ chức cuộc thi quốc tế để lựa chọn ý tưởng quy hoạch. Thiết kế của Công ty Sasaki Associates (Mỹ) được chọn vì đã giải tốt nhất bài toán của trung tâm đô thị TP HCM hiện tại. Theo đó, để mở rộng trung tâm hiện hữu cần hình thành thêm bên kia sông Sài Gòn một khu đô thị với nhiều chức năng. Một trong những chức năng đó là xây dựng khu tài chính - ngân hàng phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP đồng thời xây thêm nhiều cây cầu để kết nối với trung tâm cũ. Đây là một cách mở rộng không gian khá nhẹ nhàng.
Thủ Thiêm sẽ được kết nối với trung tâm kinh tế TP HCM bởi 5 cây cầu và 1 đường hầm. Hiện, cầu Thủ Thiêm 1 (Thủ Thiêm - Bình Thạnh) đã được hoàn thành từ năm 2010, đường hầm Thủ Thiêm (sông Sài Gòn) cũng được đưa vào sử dụng cách đây hơn 2 năm. Cầu Thủ Thiêm 2 (Thủ Thiêm - quận 1) đang trong quá trình chuẩn bị để khởi công. Còn cầu đi bộ nối Thủ Thiêm với quận 1 (tại quảng trường Mê Linh), quận 4 và quận 7 sẽ được xây dựng trong thời gian tới. "5 cây cầu này sẽ như bàn tay xòe ra kết nối với phần còn lại của thành phố", ông Hòa ví von.
|
Theo quy hoạch, sẽ có 5 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn như bàn tay 5 ngón kết nối trung tâm mới của TP HCM và trung tâm hiện hữu. Ảnh: Hữu Công
|
Ngoài việc xây dựng một loạt các công trình công cộng mà khu trung tâm cũ chưa có hoặc còn thiếu, Thủ Thiêm cũng được quy hoạch riêng một khu vực để trồng cây xanh, xây dựng trung tâm thể thao..
HĐND TP HCM trong kỳ họp hội đồng từng đánh giá, dự án Xây dựng Khu trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm là công trình trọng điểm của TP HCM trong đầu thế kỷ 21. Đây sẽ là công trình chiến lược, mở ra cơ hội tăng tốc phát triển về mọi mặt và nâng cấp TP HCM ngang tầm với các đô thị quốc tế hiện đại của khu vực. Với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế, đây còn là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí, đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển.
Theo Vnexpress