Cơ quan chức năng vừa cho biết, đã xác định được loại khí độc gây ra cái chết cho cả 4 thợ lặn trong khoang tàu bị nạn trên biển.
Chiều 19/6, khi lực lượng chức năng tiến hành đưa thi thể của thợ lặn cuối cùng ra khỏi khoang tàu ballast của đầu tàu Onekas One (Malaysia), công tác xác định độc tố được đưa lên hàng đầu vì đây được xem là một trong những nguyên nhân chính làm cho cả 4 thợ lặn tử vong vào trưa 18/6.
Với các dụng cụ đầy đủ như mặt nạ phòng khí độc, bình dưỡng khí, Phân viện Bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường, Công binh của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh TT-Huế, Chu cục Bảo vệ môi trường TT-Huế đã tiến hành lấy mẫu nước, mẫu khí trong khoang tàu để xét nghiệm tại chỗ.
Kết quả cho thấy khí độc trong khoang này là Hydro Sunphua (H2S). Nồng độ khí rất đậm đặc. Các đơn vị đã thử nghiệm thả 1 con vịt vào khoang để kiểm chứng; con vịt chết chỉ trong vòng vài phút.
Cơ quan chức năng xác định độc tố trong nước và không khí ở khoang ballas nơi 4 thợ lặn đã tử vong
Tuy nhiên chỉ khoang tàu ballast có khí độc, trong khi trên boong tàu và các khoang khác không hề có. Tuy nhiên công tác bảo hộ cho đoàn làm việc vẫn được đặt ra với tiêu chí an toàn, không ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng cho mọi người.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, với lượng khí H2S nhiều như vậy, con người nếu không có bảo hộ đầy đủ sẽ dễ bị tử vong. “Nếu muốn trục vớt con tàu này phải tiến hành xử lý khí độc, nếu không sẽ tiếp tục xảy ra hậu quả nặng” - ông Hùng nói.
Thượng tá Lê Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết, lực lượng chức năng đang tiếp tục phong tỏa hiện trường, yêu cầu các lao động không được tiếp cận tàu Onekas One. Việc khởi tố vụ án hay không tùy thuộc vào cơ quan có thẩm quyền. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi, đưa ra kết luận nguyên nhân tử vong của các thợ lặn.
Ông Từ Minh - Giám đốc Cty TNHH Trục vớt Bến Lức (Long An) - cho biết, trước khi ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn, ông đã cho người ra khảo sát hiện trường con tàu và lặn xuống tàu đo độ sâu; tuy nhiên không vào khoang ballast nên không biết có khí độc.
Các lỗ khoan ở khoang ballast nơi đội trục vớt đưa ống nước vào hút. Khi ống hút xảy ra sự cố, thợ lặn chui qua lỗ vào khoang tàu kiểm tra và bị ngạt khí độc.
“Phương pháp của công ty này là khoan cắt lỗ ở khoang ballast, sau đó đưa máy bơm vào hút nước chứ thợ lặn không vào trong khoang nên không trang bị khí tài phòng độc cho thợ lặn. Nào ngờ trong đó lại có khí độc” - ông Minh nói.
Hiện, công ty này đã hỗ trợ mỗi nạn nhân tử vong 75 triệu đồng và đưa thi thể về quê an táng.
Theo Dan tri