Viêm mũi mạn tính là một bệnh rất phổ biến ở nước ta.
Bệnh viêm mũi mạn tính không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị có thể gây nhiều chứng bệnh khác như hen phế quản, viêm phổi, viêm phế quản cấp và mạn tính...
Bệnh viêm mũi mạn tính chia làm 3 dạng:
Giai đoạn xung huyết đơn thuần: Ngạt mũi liên tục cả đêm lẫn ngày, xuất tiết ít, khám niêm mạc mũi cuốn mũi to, đỏ, đôi khi tím.
Giai đoạn xuất tiết: Chảy nước mũi là dấu hiệu đặc trưng, nhầy hoặc mủ, chảy hàng tháng, ngạt mũi thường xuyên, giảm hoặc mất khứu giác. Niêm mạc mũi phù nề nhợt nhạt, cuốn mũi nề mọng. Sàn mũi và các khe có chất xuất tiết ứ đọng.
Giai đoạn quá phát: Niêm mạc cuốn dưới quá sản, tắc mũi liên tục, ngày càng tăng, người bệnh nói giọng mũi kín, thở bằng miệng nên thường kèm viêm họng mạn tính, giảm hoặc mất khứu giác, nước mũi chảy ít dần, cuốn mũi dưới quá phát gần sát vách ngăn, cứng sần sùi, màu xám nhạt.
Vị trí huyệt
Nghinh hương: Cạnh cánh mũi, trên rãnh mũi má, cách cánh mũi 0,5 tấc.
Tị thông: Nằm sát phía bên trên hai cánh mũi.
Ấn đường: Tại điểm giữa hai đường nối đầu trong lông mày.
Thái dương:Chỗ lõm giao điểm của đuôi mắt với khóe ngoài mắt.
Phong trì: Tại bờ xương chẩm, chỗ lõm sau tai.
Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
Theo Đông y, viêm mũi mạn tính thuộc phạm vi chứng tỵ trất, do nhiều nguyên nhân gây nên như phế khí hư yếu, tỳ khí suy nhược... khiến cho hàn tà xâm nhập, gây trở ngại tỵ khiếu lạc mạch mà tạo thành bệnh. Đối với trường hợp viêm mũi mạn tính dạng xung huyết đơn thuần, Đông y có rất nhiều biện pháp như châm cứu bấm huyệt, thuốc uống, xông... trong đó xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp đơn giản, người bệnh có thể tự thực hiện. Sau đây xin giới thiệu các huyệt vị cần day bấm để chữa viêm mũi:
Day bấm huyệt nghinh hương: Dùng đầu ngón tay giữa day bấm vào huyệt nghinh hương ở hai bên lỗ mũi trong 1 – 2 phút, khi thấy cay cay sống mũi là được.
Day bấm huyệt tỉ thông: Dùng đầu ngón trỏ day ấn huyệt tỉ thông trong 1 – 2 phút.
Day bấm huyệt ấn đường: Dùng ngón cái day ấn huyệt ấn đường trong 1 – 2 phút.
Dùng ngón trỏ và ngón cái ấn véo hai bên sống mũi (gần khóe mắt) khoảng 1 – 2 phút, cảm giác tại chỗ hơi đau là được.
Dùng gồ ngón tay cái day hai bên sống mũi tới huyệt nghinh hương, day đi day lại khoảng 1 phút, thấy ấm nóng tại chỗ là được.
Day ấn huyệt phong trì: Dùng ngón tay cái hai tay day ấn huyệt phong trì mỗi bên 1 – 2 phút.
Xát thái dương: Hai bàn tay đặt vào hai bên má, xát nhanh tới huyệt thái dương. Lặp lại trong 2 phút.
Véo huyệt hợp cốc: Dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nắm véo huyệt hợp cốc mỗi bên 5 – 10 lần.
Lưu ý: - Tránh bị nhiễm lạnh, nên tiêm vaccin phòng bệnh cúm. Đeo khẩu trang khi ra ngoài trời và khi phải tiếp xúc với người bị ho hoặc hắt hơi. Tránh khói bụi và thuốc lá, cần có chế độ phòng hộ khi làm việc ở các nhà máy hóa chất.
- Nên ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể, tránh dùng các chất kích thích, gia vị cay nóng.
- Điều trị sớm khi bị cảm cúm, viêm mũi, xoang, vẹo vách ngăn mũi. Đối với trường hợp viêm mũi mạn tính dạng xuất tiết và quá phát cần kết hợp dùng thuốc theo y học hiện đại.
Theo SKĐS .