Ở đất nước chúng ta cũng như mọi quốc gia khác có hai ngành quan trọng đó là ngành giáo dục và y tế. Hai ngành cần những tiến bộ nhưng những khoản đầu tư cần cải tiến thì lại rất chậm chạp. Âu ở trên đời cái gì cũng có cái nguyên nhân của nó.
Hai ngành này hiện nay có chung một số phận, cũng có ngày kỷ niệm hoành tráng, ngày thầy thuốc, ngày thầy giáo. Đáng quý quá, cái nghề thật cao thượng. Nhưng hãy xem những người làm việc trong ngành đó nói gì. Thầy giáo cũng như thầy thuốc, đều than phiền đồng lương còm cõi của mình. Trường học phòng ốc, bệnh viện phòng khám đều có chung số phận, không được trang bị hiện đại. Thầy giáo đánh học sinh, học sinh đánh lại, bác sĩ đánh bác sĩ, bệnh nhân đánh bác sĩ…. nhiều sự kiện đau lòng khác.
Vì thế, người dân không còn tin vào dịch vụ của hai ngành này cung cấp cho họ. Người không có điều kiện thì chịu trận. Nhưng người có tiền họ phản ứng khác ngay, họ bỏ chạy.
Ngành giáo dục, hằng năm con số du học sinh VN ra nước ngoài học ngày càng tăng, đi càng sớm càng tốt, đến nỗi có người còn nói có làn sóng “tỵ nạn giáo dục”, nghe mà đau lòng. Cứ mỗi năm người Việt bỏ ra một chi phí khổng lồ cho con em mình học ở nước ngoài. Nghĩ đến đó, mình có ước mơ là phải chi tất cả những chi phí ấy, những chi phí hào phóng hay “ráng lo cho bằng được” ấy được chảy vào ngànhgiáo dục trong nước thì hay biết mấy, lương giáo viên sẽ tăng, điều kiện dạy dỗ sẽ cải thiện hơn, ngành giáo dục sớm muộn gì sẽ cất cánh.
Y tế, Giáo dục - Hai ngành cần những tiến bộ, những khoản đầu tư cần cải tiến thì lại rất chậm chạp. Ảnh minh họa.
Người VN đủ sức dạy người VN, nếu có một triết lý giáo dục đúng. Đi học nước ngoài là tất nhiên nhưng thành một làn sóng thì bất thường. Mình đã từng thấy nhiều người nông dân kha khá một chút họ bán ruộng, bán vườn, bằng mọi cách phải đưa cục cưng của mình đến các nước phát triển học hòng có tương lai tươi sáng hơn. Mình cũng đã từng thấy, có những người đồng nghiệp đàn anh ngày đêm cày cật lực, để lo cho con mình tất cả những chi phí học ở nước ngoài. Và rất nhiều con của các cán bộ nhà nước giàu có, chỉ cần cấp huyện thôi cũng đủ đưa con cái mình ra nước ngoài học. Một con số không lồ tiền bạc chảy ra nước ngoài, bỏ lại sau lưng một đội ngũ giáo viên học sinh nghèo học dưới những mái trường ọp ẹp, đặc biệt vùng sâu vùng xa, mà ai có nghĩ đâu, người ta đang lo chạy theo thành tích mà.
Ngành y, mới đây cả nước báo động có một lượng lớn bệnh nhân VN không điều trị trong nước, họ bỏ ra nước ngoài khám bệnh. Không trách họ được, vì sức khỏe là cái đáng quý mất đi không tìm lại được. Vì vậy dù tốn cỡ nào đi nữa họ cũng phải bỏ đi, họ không tin tưởng. Có những trường hợp bỏ đi là đúng vì là những kỹ thuật khó, ca bệnh khó mà ngành y VN không đáp ứng nổi. Nhưng phần lớn các trường hợp ra nước ngoài khám chữa bệnh là những trường hợp thường, khám bệnh chẩn đoán rất dễ, mà họ vẫn sẵn sàng bỏ ra một chi phí khá lớn để điều trị ở nước ngoài, với một chi phí có thể lo cho hàng trăm ca bệnh tương tự trong nước.
Đơn giản vì họ không có niềm tin trong nước nữa, họ không muốn vào bệnh viện để gặp nhân viên y tế dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan nhăn nhó nạt nộ với họ, họ muốn một cách đối xử hoàn toàn khác. Và cũng giống như trường hợp của ngành giáo dục, bên cạnh những người dân thường giàu có còn phần lớn là các cán bộ giàu họ mới có tiền ra nước ngoài điều trị.
Vì vậy để có thể vực dậy phần nào hai ngành này, hai ngành cốt lõi, cần thiết có sự kêu gọi các công bộc của dân, những người cán bộ giàu có suy nghĩ lại. Quý vị hãy gửi con mình học ở những trường học trong nước đi, rồi quý vị mới có cơ hội tiếp xúc với những bất cập của ngành giáo dục, quý vị mới có dịp nghe con cái của quý vị kể về trường lớp như thế nào. Để mà từ đó quý vị có những quyết sách đúng đắn, đi sát với thực tế hơn. Cũng vậy, khi quý vị mắc bệnh, nên đến những bệnh viện của dân mà điều trị đi, nên nằm giường đôi giường ba với dân đi, họ mới nếm mùi cực khổ cùng dân chúng, hãy để nhân viên y tế không phân biệt quý vị là quan hay là dân thường để mà bị “chửi”, bị nhăn nhó, bị lớn tiếng của nhân viêny tế, nói chung hãy nếm mùi đi, để mà từ đó họ sẽ có cái nhìn đúng dáng thực tế, sát sao hơn.
Không nên chỉ biết gửi con học ở nước ngoài, còn mình có bệnh thì được đối xử đặc biệt. Bởi như thế thì làm sao thấy hết được những mặt trái của xã hội mà chỉnh mà sửa, để cho dân đen được nhờ, được hưởng.
BS. Phan Văn Hoàng
Theo SKĐS