Tin tức khác

Yên tâm đưa con đi tiêm phòng sởi

10 năm trước | 1102

Sáng 4-3, các quận nội thành của Hà Nội đồng loạt triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ trên địa bàn. Tín hiệu tích cực ở đợt tiêm chủng lần này là các phụ huynh đều yên tâm, chủ động đưa trẻ đi tiêm, trong khi công tác tổ chức tiêm chủng của các trạm y tế được chuẩn bị khá chu đáo. 
Yên tâm đưa con đi tiêm phòng sởi

Hầu hết phụ huynh đã chủ động đưa con đi tiêm vaccine
 
Đoàn kiểm tra do Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác tiêm chủng vaccine sởi trên địa bàn quận Long Biên. Khoảng 10h sáng tại Trạm Y tế phường Ngọc Thụy và Trạm Y tế phường Gia Thụy, hầu hết trẻ có lịch tiêm vaccine trong buổi sáng đều được đưa đến tiêm chủng. Tuy nhiên, do các trạm y tế đã phát giấy mời và chủ động hẹn lịch tiêm từ trước đến từng gia đình có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhằm đảm bảo mỗi buổi tiêm không quá 50 trẻ, nên trong buổi sáng đầu tiên triển khai tiêm vaccine sởi không xảy ra tình trạng quá tải, chen lấn. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, các bậc phụ huynh đưa trẻ đến tiêm vaccine sởi không còn tâm lý e ngại về an toàn tiêm chủng như thời gian trước. Cá biệt một số trường hợp hoặc do mới chuyển đến, ở trọ trên địa bàn hoặc vì lý do nào đó chưa nhận được giấy mời tiêm vaccine sởi cũng chủ động đưa trẻ đến xin được tiêm. Chị Nguyễn Thị Hồng, đưa con 21 tháng tuổi đi tiêm vaccine sởi mũi 2 ở Trạm Y tế phường Ngọc Thụy cho biết, lẽ ra theo đúng lịch con chị phải đi tiêm mũi 2 từ 2-3 tháng trước nhưng thời điểm đó thấy có trẻ bị tai biến do tiêm vaccine, nên cũng lo ngại, lần lữa. “Mấy ngày gần đây, trạm y tế phường thường xuyên tuyên truyền trên loa đài, đến từng hộ gia đình phát giấy mời nên tôi thấy yên tâm và quyết định nghỉ làm sáng nay để đưa cháu đi tiêm vaccine” – chị Hồng chia sẻ.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, các điểm tiêm chủng đều chấp hành nghiêm quy trình do Bộ Y tế ban hành như khám sàng lọc, tư vấn, lưu trẻ ở lại 30 phút để cán bộ y tế theo dõi sức khỏe, tiêm tối đa 50 trẻ trong một buổi… Tại Trạm Y tế phường Gia Thụy, đoàn kiểm tra đã đề ra tình huống giả định có trẻ bị sốc sau tiêm vaccine cần cấp cứu tại chỗ và chuyển lên tuyến trên. Trạm y tế phường phối hợp với Trung tâm Y tế quận Long Biên đã xử lý tốt trong tình huống giả định này: phòng cấp cứu trẻ sốc sau tiêm vaccine chuẩn bị trang thiết bị cấp cứu đảm bảo, thời gian xe cứu thương ở Trung tâm y tế quận Long Biên đến trạm y tế  đáp ứng được yêu cầu, các trang thiết bị cần thiết mang theo đầy đủ, có bác sĩ, y tá đi cùng… 

Ở đợt tiêm chủng lần này, Hà Nội có khoảng 60.000 trẻ em cần phải tiêm vaccine sởi, trong đó có 40.000 trẻ thuộc đối tượng tiêm thường xuyên, 20.000 trẻ tiêm “vét” (trong tháng 3 và tháng 4-2014) và dự kiến có hơn 95% trẻ trong độ tuổi được tiêm. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, nhận định trước số trẻ đi tiêm vaccine sởi đợt này gia tăng đáng kể nên để đáp ứng quy định chỉ tiêm 50 trẻ/buổi tiêm thì nhiều xã, phường sẽ phải tăng buổi tiêm trong tháng. Ông cũng khuyến cáo, nếu được tiêm đúng, đủ mũi, vaccine sởi có tác dụng bảo vệ khoảng 95%, nghĩa là vẫn còn một phần nhỏ trẻ có thể bị mắc bệnh. Vì vậy, dù đã được tiêm vaccine thì các phụ huynh vẫn phải chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng cho trẻ, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết.

Hiện tại, dịch sởi trên địa bàn Hà Nội vẫn đang lây lan khá mạnh, số trẻ mắc bệnh phải nhập viện chưa có xu hướng giảm. Với việc triển khai chiến dịch tiêm “vét” vaccine sởi cho 60.000 trẻ đợt này, ngành y tế Hà Nội hy vọng sẽ khống chế được dịch sởi trong 2 tháng tới. 

Theo ANTĐ

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Danh sách thực phẩm tồi tệ làm phí công tập Gym của bạn (12/5)

Hà Nội: Chiếc điện thoại "tố" nơi ẩn nấp của kẻ sát nhân (12/5)

Cách phát hiện sớm ung thư dạ dày (11/5)

Tại sao khi uống rượu không nên ăn thịt (10/5)

2 người tâm thần đâm nhau chết ở bệnh viện (10/5)

Nam thanh niên giết bạn, giấu xác trong rừng cao su (10/5)

Xác định nguyên nhân ban đầu trẻ 2 tháng tử vong sau khi tiêm vaccine (10/5)

Trẻ 11 tuổi tử vong vì bị bệnh dại do mèo cào (10/5)

Uống gì vào buổi sáng để tốt cho sức khỏe? (6/5)