Trên số báo 92 ra ngày 11/6, chúng tôi đã giới thiệu một số thực phẩm thông dụng hàng ngày với thể bệnh can thận âm hư. Trong số báo này, bạn đọc có thể tham khảo, lựa chọn và sử dụng thực phẩm một cách hợp lý với thể Tỳ thận dương hư và thể Tâm khí hư:
Thể Tỳ thận dương hư: biểu hiện bằng các triệu chứng như người béo trệ, dễ mệt, sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn kém, đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong dài, hay đi tiểu đêm, suy giảm ham muốn tình dục, tinh dịch lạnh loãng, miệng nhạt, lưỡi nhợt ớt... Nên trọng dùng các thực phẩm sau:
Thịt dê: vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích thận khí, ôn thận dương, bổ trung khí và làm ấm tỳ vị. Sách Biệt lục viết: “Dương nhục chủ hư lao hàn lãnh, bổ trung ích khí”. Các y thực gia cổ cũng đều ca ngợi công dụng của thịt dê trong việc bồi bổ thận khí, làm mạnh dương đạo, chữa trị các chứng bệnh hư hàn. Bởi vậy, thịt dê là một trong những thực phẩm rất hữu ích cho đàn ông “mãn kinh” thuộc thể Tỳ thận dương hư.
Thịt chó: vị mặn, tính ấm, có công dụng bổ trung ích khí, ôn thận trợ dương. Y thực gia trứ danh đời Đường (Trung Quốc) cho rằng thịt chó có khả năng “bổ huyết mạch, hậu tràng vị, thực hạ tiêu, điền tinh tủy” (bồi bổ huyết mạch, làm khỏe dạ dày ruột, làm mạnh 1/3 dưới cơ thể, làm tăng tinh tủy). Sách Nhật hoa tử bản thảo cũng viết: “Cẩu nhục (thịt chó) bổ vị khí, tráng dương, noãn yêu tất, bổ hư lao, ích khí lực”. Đối với đàn ông trung lão niên dương sự yếu đuối, hay đi tiểu đêm, đại tiện thường xuyên lỏng loãng, sợ lạnh thích ấm…, thịt chó là thực phẩm rất phù hợp.
Đông trùng hạ thảo: vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ hư tổn, ích tinh khí, có lợi cho ngũ tạng và chống lão hóa. Sách Dược tính khảo viết: “Đông trùng hạ thảo bí tinh ích khí, chuyên bổ mệnh môn”. Mệnh môn, theo y học cổ truyền, là cái gốc của dương khí, là nhân tố cực kỳ quan trọng đối với sự sống, cho nên bổ được mệnh môn thì sẽ giúp cho tỳ dương và thận dương được phục hồi, nhờ đó mà cơ thể trở nên cường tráng.
Nhân sâm: vị ngọt hơi đắng, tính ấm, có công dụng đại bổ nguyên khí, cường tráng thể chất. Đây là một trong những vị thuốc quý giá của y học cổ truyền mà tác dụng bồi bổ đã được dược lý học hiện đại nghiên cứu và khẳng định. Dân gian thường dùng dưới dạng chế thành các món ăn - bài thuốc (dược thiện), trà dược hoặc tửu dược.
Ngoài ra, ở thể bệnh này cũng nên trọng dụng một số thực phẩm có công dụng ôn bổ tỳ thận như thịt bò, gan bò, xương bò, xương dê, gan dê, ngẩu pín, thịt thỏ, thịt chịm sẻ, thịt chim cút, trứng gà, trứng chim cút, sữa dê, cá ngựa, hải sâm, hạt dẻ, nhục quế, nhục dung, đỗ trọng, toả dương, ba kích, dâm dương hoắc, nhau thai...
Thể Tâm khí hư: biểu hiện bằng các triệu chứng như mệt mỏi, mất ngủ triền miên, hay mê mộng, dễ kinh sợ, suy giảm ham muốn tình dục, thậm chí sợ hãi, liệt dương, di mộng tinh, xuất tinh sớm, trí nhớ giảm sút, tâm thần bất định, ăn ngủ kém, lưỡi hồng nhạt... Nên trọng dùng các thực phẩm sau:
Hạt sen: vị ngọt, tính bình, có công dụng dưỡng tâm an thần, kiện tỳ ích thận. Nhà dược học vĩ đại Lý Thời Trân (đời Thanh,Trung Quốc) cho rằng hạt sen có khả năng “giao tâm thận, hậu tràng vị, cố tinh khí, cường cân cốt, bổ hư tổn” (Bản thảo cương mục). Bởi vậy, loại thực phẩm này rất hữu ích cho đàn ông “mãn kinh” thuộc thể Tâm khí hư. Dân gian hay dùng dưới dạng hầm với xương thịt, nấu chè hoặc làm thành các loại bánh.
Long nhãn: vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích tâm kiện tỳ, bổ khí dưỡng huyết, an thần định trí. Sách Nhật dụng bản thảo viết: “Long nhãn ích trí định thần”. Sách Tuyền châu bản thảo cũng viết: “Long nhãn tráng dương ích khí, bổ tâm kiện tỳ”. Dân gian hay dùng dưới dạng làm mứt, nấu chè, ngâm rượu hoặc chế thành các loại nước giải khát.
Tim lợn: vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng bổ hư, dưỡng tâm, an thần. Dân gian hay dùng dưới dạng hầm cách thủy với thần sa, chế thành các món ăn hoặc các món dược thiện. Điều cần lưu ý là: những người có rối loạn lipid máu thì nên dùng ở mức độ vừa phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Ngoài ra, với thể bệnh này, nên trọng dụng một số thực phẩm khác như tổ yến, đậu tương, gạo nếp, đại táo, mộc nhĩ trắng, bá tử nhân, toan táo nhân, nhân sâm, nấm linh chi, đẳng sâm, cam thảo, bách hợp, nhau thai...
Theo SKĐS