Tin tức chuyên ngành

"Chiến sĩ" pháp y thầm lặng

6 năm trước | 1956

Một niềm vui đến với Trung tâm Pháp y Đồng Nai trong những ngày đầu năm mới là được Sở Y tế khen thưởng đột xuất vì có thành tích xuất sắc khi tham gia giám định tư pháp trong vụ ẩu đả đông người tại một tiệm game bắn cá ở TP.Biên Hòa.

Giám đốc Trung tâm Pháp y Đồng Nai Trần Văn Hoàng (đứng) hội chẩn một ca giám định khó với nhân viên. Ảnh A.Thư

Để kịp thời giám định thương tật cho các nạn nhân trong vụ ẩu đả, các bác sĩ, nhân viên Trung tâm Pháp y Đồng Nai đã làm việc trong cả mùng 1 Tết Mậu Tuất 2018. Thậm chí có bác sĩ phải làm việc liên tục từ đêm giao thừa đến tối mùng 1 tết mới được về nhà đón xuân với gia đình. Đó là bác sĩ Nguyễn Trí Thắng.

* Sẵn sàng lên đường bất kể giờ giấc

Đóng góp thầm lặng

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho rằng bác sĩ pháp y là những “chiến sĩ” thầm lặng, đóng góp của họ rất ít người biết đến. Đó là một nghề đặc thù đòi hỏi người làm công tác này không chỉ tốt nghiệp ngành bác sĩ mà còn nắm chắc chuyên môn sâu về sinh lý bệnh, cơ chế bệnh, giải phẫu bệnh và các quy định pháp luật. Công tác pháp y rất nhạy cảm, không được làm sai, đòi hỏi lực lượng này không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, phải giỏi hơn cả các bác sĩ bình thường thì mới phát hiện ra những bất thường, những chứng cứ quan trọng làm cơ sở để cơ quan chức năng xử lý các vụ án, vụ việc nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

Ngay đêm giao thừa của xuân mới bác sĩ Thắng đã đến giám định cho một ca tử vong do tai nạn giao thông ở TP.Biên Hòa và sau đó lại lên đường đi huyện Tân Phú giám định cho một ca tử vong do tai nạn giao thông khác. Đến sáng mùng 1 về đến nhà ở TP.Biên Hòa, dù không phải ngày trực nhưng khi được điều động, anh lại cùng đồng nghiệp tham gia giám định thương tích cho các nạn nhân trong vụ ẩu đả tại tiệm game bắn cá mà không kịp về họp mặt đầu năm cùng với đại gia đình.

Bác sĩ Trần Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Pháp y Đồng Nai, chia sẻ đây là nhiệm vụ cấp bách, công việc nhiều mà lực lượng pháp y quá mỏng nên phải huy động anh em trong ngày nghỉ lễ, tết. Trong vụ án đêm giao thừa, nạn nhân đông, trong đó có 1 người nước ngoài nên việc giám định thương tích phải hết sức kỹ lưỡng, chính xác vì còn liên quan đến luật pháp quốc tế. Do đó, ê-kíp phải làm việc từ sáng mùng 1 tết đến gần 23 giờ  cùng ngày mới làm xong kết quả giám định thương tích của 5 nạn nhân. Từ kết quả đó là cơ sở pháp lý để Công an TP.Biên Hòa nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để kịp thời bắt giữ các đối tượng cố ý gây thương tích.

* Nhanh, chính xác

Cơ quan pháp y Đồng Nai cũng giám định, trả lời cho nguyên nhân tử vong không ngờ tới của một số vụ tai biến y khoa, giúp người nhà nguôi ngoai, giảm bức xúc về nguyên nhân tử vong của người thân; minh oan cho các bệnh viện. Gần đây nhất là vụ trẻ sơ sinh tử vong sau khi sinh tiêm vaccine tại một bệnh viện tuyến tỉnh. Khám nghiệm tử thi cho thấy bé sơ sinh tử vong do phù phổi cấp là hậu quả của tăng áp động mạch phổi nguyên phát trên bệnh nhân có bệnh gan tim bẩm sinh thân chung động mạch chủ phổi.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung (giữa) trao giấy khen đột xuất của Sở Y tế cho Giám đốc Trung tâm Pháp y Đồng Nai Trần Văn Hoàng.
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung (giữa) trao giấy khen đột xuất của Sở Y tế cho Giám đốc Trung tâm Pháp y Đồng Nai Trần Văn Hoàng.

“Với bệnh lý này, khi có máu của mẹ nuôi dưỡng trong bào thai thì bé vẫn phát triển bình thường nhưng khi sinh ra ngoài, cắt nhau thai, máu của bé  bị rối loạn tuần hoàn, từ từ bị suy tạng dẫn đến tử vong. Chúng tôi giải thích và cho gia đình xem phim chụp về dị dạng tim của bé để gia đình hiểu rõ hơn, giảm bức xúc trước việc con mình tử vong đột ngột” - bác sĩ Nguyễn Gió, Phó giám đốc Trung tâm Pháp y Đồng Nai, cho hay.

Đặc biệt, các bác sĩ của trung tâm sẵn sàng tới tận bệnh viện để giám định thương tích khi có yêu cầu của cơ quan công an, thay vì thực hiện theo nguyên tắc muốn giám định thương tích phải đưa người và hồ sơ bệnh án đến trung tâm làm việc trong giờ hành chính. Phương châm hoạt động của trung tâm là có mặt mọi lúc mọi nơi khi cơ quan công an có yêu cầu và trả lời cơ quan tố tụng càng nhanh, càng chính xác càng tốt. Do đó, Trung tâm Pháp y Đồng Nai còn được rất nhiều cơ quan điều tra của các địa phương khác, như: Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông… tin tưởng gửi hồ sơ trưng cầu giám định pháp y cho các vụ án xảy ra trên địa bàn.

Bác sĩ Võ Thanh Hòa, Trưởng phòng Giám định tổng hợp Trung tâm Pháp y Đồng Nai, chia sẻ hơn 10 năm theo nghề bác sĩ pháp y, chuyện đón giao thừa ngoài đường là rất bình thường. Công việc của bác sĩ pháp y rất nhiều, như: mổ tử thi, giám định thương tật, khám xâm hại tình dục, tham gia bảo vệ giám định trước tòa… Nếu làm không kỹ lưỡng rất dễ xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm nên trọng trách của bác sĩ pháp y rất nặng nề, đòi hỏi người làm công việc này không chỉ giỏi chuyên môn còn phải có tinh thần vững, tâm huyết, lòng yêu nghề thì mới gắn bó lâu dài được.

Theo Baodongnai.com.vn


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)