Với nhiều vụ án, kết quả giám định tư pháp là căn cứ quan trọng làm cơ sở khởi tố, truy tố, định tội, áp dụng hình phạt trong các vụ án hình sự… Thế nhưng, pháp luật hiện hành lại không quy định chức năng giám định bổ trợ tư pháp cho cơ quan cụ thể nào nên các cơ quan tiến hành tố tụng cứ phải tự xoay sở. Có vụ án không thể xác định được thiệt hại chính xác vì không ai chịu giám định.
Bị “từ chối” giám định
Nhiều vụ án phải chờ kết quả giám định vài năm trời mới có thể kết luận, truy tố, xét xử như vụ “điện kế - điện tử”, vụ án Nguyễn Lâm Thái… Có những vụ án mỗi cấp giám định lại cho ra một kết quả khác nhau như vụ án “vừa là ông ngoại vừa là cha” ở Tiền Giang khiến cơ quan tiến hành tố tụng không biết tin vào ai.
Cũng có những vụ án cơ quan tiến hành tố tụng “bó tay” vì trưng cầu giám định nhưng bị từ chối, như vụ án Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec). Cofidec là đơn vị thành viên của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Trong quá trình điều hành Cofidec, Nguyễn Thanh Xuân, quyền Giám đốc Cofidec đã lợi dụng chức vụ chỉ đạo cấp dưới hạch toán kế toán có lợi cho Công ty TNHH thủy sản Bạc Liêu, Công ty TNHH thủy sản Nha Trang (là 2 công ty “sân sau” của gia đình Xuân).
Ngoài ra, lợi dụng là khách hàng truyền thống của Công ty Quốc tế Higashimaru và uy tín của Cofidec, Nguyễn Thanh Xuân đã ký hợp đồng “trái phép”, vay số tiền 20.000.000 yên Nhật với lãi suất ưu đãi 3%/năm để ngoài sổ sách kế toán công ty sau đó chỉ đạo chuyển cho Công ty TNHH thủy sản Bạc Liêu sử dụng gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2,7 triệu USD.
Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã quyết định trưng cầu giám định kế toán tài chính xác định con số thiệt hại chính xác. Tuy nhiên, yêu cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng đã bị từ chối…
“Xóa điểm nghẽn” bằng luật
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Giám định viên tư pháp về kế toán tài chính, thời gian qua ông nhận được nhiều quyết định trưng cầu giám định tài chính kế toán của Cơ quan CSĐT nhưng không thể thực hiện được vì tổ chức giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp tại TP.HCM đã bị giải thể hơn 5 năm qua nhưng chưa có cơ quan nào có thẩm quyền có quyết định thành lập lại theo quy định mới. Trước đây, tổ chức giám định tư pháp về kế toán tài chính thuộc Sở Tài chính TP.HCM, có con dấu, cơ chế hoạt động riêng.
Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp và Nghị định 67/2005/CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp, trên cơ sở đề nghị của Sở Tư pháp TP.HCM, cuối năm 2005 UBND TP.HCM đã có quyết định giải thể và miễn nhiệm Giám định viên trưởng – Tổ chức giám định tư pháp về tài chính kế toán. Con dấu của Tổ chức giám định tư pháp về tài chính kế toán sau đó cũng được Sở Tài chính giao nộp cho Cơ quan Công an. Kể từ đây, Tổ chức giám định tư pháp về tài chính kế toán thuộc Sở Tài chính TP.HCM bị xóa sổ.
Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Phạm Ngọc Hiền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an cho rằng: Pháp lệnh Giám định tư pháp đã bộc lộ rõ những bất cập gây “tắc nghẽn” cho tiến trình tố tụng. Do vậy, cần sớm ban hành Luật Giám định tư pháp trong đó thống nhất đầu mối về quản lý Nhà nước về lĩnh vực tư pháp, không thể để từng Bộ, ngành quản lý, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã thông qua Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” với yêu cầu trọng tâm là góp phần bảo đảm việc phán quyết của tòa án được chính sách, khách quan, đúng pháp luật, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này.
Hy vọng khi luật được ban hành sẽ giúp hoạt động giám định tư pháp “xóa” “điểm nghẽn” và tạo sự phát triển bền vững cho công tác giám định tư pháp.
Theo Phapluatvn.vn