Tin tức chuyên ngành

Chủ tịch Hội Pháp y và nỗi đeo đẳng với nghề mổ xẻ tử thi

7 năm trước | 2073

 

“Chúng tôi mong rằng mọi người sẽ nhận ra sự cần thiết và ý nghĩa của nghề bác sĩ pháp y để từ đó cảm thông với công việc của chúng tôi và sẽ có thêm nhiều sinh viên ngành y lựa chọn nghề này”

Chủ tịch Hội Pháp y và nỗi đeo đẳng với nghề mổ xẻ tử thi
Bác sĩ Ngô Hường Dũng

Thầy thuốc ưu tú Ngô Hường Dũng, Chủ tịch Hội pháp y học Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia là một trong những chuyên gia hàng đầu về pháp y. Trong hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông chưa bao giờ đầu hàng trước một một ca khó nào.

Nghề ít người “mê”

Vuốt mái tóc đã lốm đốm những sợi bạc, bác sĩ Dũng nhớ lại những ngày đầu mới bước vào nghề: “Sau lần thực hiện ca giải phẫu tử thi đầu tiên, thú thực tôi ăn không nổi và mất ngủ vì bị ám ảnh. Tối đến, cứ nhắm mắt lại là những hình ảnh chết chóc mình chứng kiến ban ngày lại bay lượn trong đầu. Đến bữa cơm, đành vác bụng đói ngồi nhìn mọi người ăn bởi mùi cơm, mùi canh gợi nhớ mùi… tử thi. Nhưng rồi thời gian trôi, công việc cuốn hút và nỗi sợ tan biến lúc nào không hay”.

Còn nhớ khi vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra (năm 2007), nhận lệnh, bác sĩ Dũng cùng các đồng nghiệp ngay lập tức lên đường vào Nam, tổ chức khám nghiệm nhận dạng thi thể các nạn nhân. Mất 20 ngày sau mới kết thúc. Phải nói rằng lúc ấy “cái mũi” cũng phải trải qua những ngày cực khổ bởi thứ mùi không thể thở nổi. Nắng nóng, những xác người gẫy gập trong đống đổ nát cộng hưởng đã trở thành một nỗi ám ảnh không dễ quên.

Do đặc thù nghề nghiệp nên gần như giám định viên pháp y không có thời gian, địa điểm làm việc cố định. Không thua gì lính hình sự, dù là nửa đêm gà gáy hay đang trong bữa cơm, họ phải lên đường bất kỳ lúc nào khi được trưng cầu.

Chỗ làm việc nhiều khi chỉ là một bãi đất trống giữa đồng không mông quạnh, bên triền đê, bãi nổi giữa sông, che chắn sơ sài bằng những mảnh bạt. Những hôm trời rét căm căm, hay nắng nôi oi bức, xác chết dù kinh hoàng, phân hủy đến đâu thì giám định viên pháp y cũng là người “xắn tay” vào việc đầu tiên.

Để đến được hiện trường thì vận dụng linh hoạt cả xe máy, xe đạp hoặc xuôi đường sông bằng thuyền, canô... Trong trường hợp không tận dụng được phương tiện thì cuốc bộ. Có những vụ án mạng xảy ra ở trong rừng, phải đi bộ xuyên rừng cả chục cây số. Nhiều khi đến được hiện trường để khám nghiệm thì chân phồng rộp, mỏi nhừ, mắt hoa lên vì đói.

Nếu thuận lợi, qua khám nghiệm bước đầu ở hiện trường đã có thể tìm ra manh mối để phục vụ công tác điều tra, phá án. Với những vụ án phức tạp, kẻ sát nhân quá ma mãnh khi để lại quá ít dấu vết hoặc dấu vết đã bị mờ trong quá trình tử thi bị phân hủy thì công việc của bác sĩ pháp y vất vả thêm bội phần.

Đối với những cái chết trong các vụ án mạng hay những cái chết bất đắc kỳ tử buộc phải có sự can thiệp của bác sĩ pháp y nhưng vì quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” của người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng nên các bác sĩ pháp y đã phải chịu không ít những lời miệt thị, đe dọa của gia đình nạn nhân.

“Vất vả, cực khổ, độc hại, áp lực nữa nên nghề bác sĩ pháp y ít người “mê” lắm. Hầu hết các sinh viên ngành y đều “né” để khỏi phải vào ngành này. Chính vì vậy, việc thiếu giám định viên đã thường trực trong ngành pháp y từ nhiều năm. Có năm, Viện pháp y quốc gia không tuyển được ai, có người tuyển được đúng 1 ngày rồi bỏ việc”, bác sĩ Dũng thở dài cho biết.

Bác sĩ pháp y phải đối mặt với nhiều vất vả, gian khổ, nguy cơ phơi nhiễm bệnh tật

Bị kiện chỉ vì nhận điếu thuốc lá

Theo lời bác sĩ Ngô Hường Dũng, luôn có hai thái cực trong giám định: bên bị hại luôn muốn tăng thương, giả bệnh; còn bên bị can luôn muốn tỷ lệ giảm đi để giảm thiểu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, họ luôn sẵn sàng mua chuộc bác sĩ pháp y, giám định viên.

Nếu không tinh tường có thể làm oan sai. Chính vì thế, bác sĩ pháp y phải luôn vững vàng trước mọi cám dỗ, ngay cả trước tòa, với đủ lý lẽ của luật sư, nếu bác sĩ pháp y không vững vàng trước sự thật thì cũng có thể bị “đánh quật”.

Ông chia sẻ một câu chuyện để lại trong ông những bài học sâu sắc về nghề, về danh dự của giám định viên. 

Theo đó, cách đây 25 năm, trong ca trực của mình, ông lần lượt tiếp nhận hai trường hợp đến khám, xác định thương tổn, đều có giấy giới thiệu của công an phường Tràng Tiền (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi khám xong cho người thứ nhất, được họ mời thuốc lá, bác sĩ Dũng lịch sự cảm ơn và dắt điếu thuốc lá vào mang tai. 

“Đến lượt người thứ hai, họ cũng rút thuốc lá mời tôi nhưng lúc này, do đã có điếu thuốc dắt trên tai vừa nãy, nên tôi vui vẻ nói cảm ơn họ và từ chối nhận điếu thuốc này”, ông kể.

Bất ngờ thay, ngay hôm sau, người đàn ông bị bác sĩ Dũng từ chối nhận điếu thuốc lá làm đơn kiện ông với lý do ông thiên vị khi nhận điếu thuốc của người đàn ông kia, suy ra, ông có thể làm sai lệch kết quả khám thương. Mặc dù sau đó, nhận thấy việc khiếu kiện không có lý do chính đáng, người đàn ông ấy đã mang đơn về. 

Nhưng từ sự việc kể trên, bác sĩ Dũng đã quyết tâm đoạn tuyệt hoàn toàn với thuốc lá và cũng từ đó, ông cẩn trọng hơn trong cách hành xử và giữ gìn thanh danh nghề nghiệp của mình.

Hiện trường vụ sạt núi ở Bản Vẽ 

Xương sọ bí ẩn ở lò vôi

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Ngô Hường Dũng không nhớ nổi mình đã tham gia giám định bao nhiêu vụ việc. Nhưng có những vụ việc vẫn lưu lại trong tâm trí ông bởi tính chất, đặc thù. 

Giọng ông trầm xuống khi kể về một câu chuyện đau lòng xảy ra ở vùng ven biển Nghệ An cách đây 30 năm.

Người con trai đi làm ăn xa, người con dâu ở nhà với bố chồng, chăm lo con cái. Một lần về thăm nhà, anh ta giận sôi người khi nghe phong thanh bố “tằng tịu” với vợ mình. Máu nóng dồn lên mặt, không thèm kiểm chứng thực hư câu chuyện ra sao, anh ta ôm mối hận vì bị “cắm sừng” và rắp tâm phục thù. 

Trong một lúc bị cơn ghen làm mờ lý trí, đứa con đã giết cha rồi giấu xác dưới một lò vôi ở trong vườn, sau đó còn thản nhiên loan tin ông già mất tích. Khi ấy, làng trên xóm dưới ai cũng nghĩ ông lão đã bỏ nhà ra đi mà không hề hay biết bí mật động trời mà người con trai cất giấu.

Kể từ ngày cha chết, anh con trai không dám dùng nước giếng gần hố vôi mà đi xin nước nhà hàng xóm. Tình cờ, có người hàng xóm xây nhà bị thiếu vôi nên chạy sang vay vôi nhà anh này. Khi lấy vôi, mọi người mới hốt hoảng khi phát hiện xương và sọ người. Ngay lập tức, cơ quan công an vào cuộc và trưng cầu các bác sĩ Pháp y từ Hà Nội về khám nghiệm pháp y.

“Thi thể nạn nhân được chôn dưới hố vôi, xác khô đét lại, phân hủy chậm và xương rất chắc. Lúc đó, chưa có giám định ADN nên các bác sĩ pháp y phải xác định bằng nhân trắc học như đo chiều dài xương và xác định bộ xương đó chính là của ông bố.

Sau khi xác định được nạn nhân, việc truy tìm hung thủ cũng dễ dàng hơn. Từ việc anh con trai đi tung tin cha mất tích cho đến các hành động không dùng nước giếng ở nhà, công an đã khoanh được hung thủ. Cuối cùng người con trai đã phải cúi đầu thừa nhận vì ghen tuông với cha mà đã giết ông”, bác sĩ Dũng hồi tưởng.

Nghĩa tử là nghĩa tận

Lật giở những trang hồ sơ, bác sĩ Dũng nhớ lại vụ sạt núi tại mỏ đá III ở thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cách đây 10 năm. Khi có mặt tại hiện trường, tự tay ông đã đốt lên vài nén hương thơm cho người đã khuất, làm vơi dịu nỗi đau của thân nhân người xấu số, và cũng để lòng mình nhẹ nhõm trước khi bắt tay vào việc.

Chỉ vào những hình ảnh trong nhật ký cứu hộ tìm kiếm, giọng ông run run khi nhớ lại giây phút đưa từng thi thể bị đất đá quấn vo tròn lên mặt đất về nhà xác dã chiến để tiến hành giám định. 

Có một nạn nhân mặc chiếc quần đùi màu tím hoa cà khiến bác sĩ Dũng ám ảnh nhất. Toàn bộ thân thể anh chỉ còn một rúm trong chiếc quần tím. Một nạn nhân khác còn nguyên 50 tờ polyme mệnh giá 100 nghìn đồng trong túi quần sau. Đó là toàn bộ số tiền anh này vừa mới vay của một người đồng nghiệp trong đơn vị...

“Đứng trước một hiện trường bi thảm, chứng kiến những tử thi đang trong tình trạng phân hủy, tử thi bị “thịt nát xương tan”, những mảnh cơ thể bị đứt rời ở hiện trường…, dù không thân thích cũng ngậm ngùi lắm. Những lúc như thế, anh em chỉ biết lặng lẽ nhìn nhau làm việc, mong sao có kết quả sớm và chính xác nhất”, bác sĩ Dũng bùi ngùi nói.

Tìm kiếm thi thể những nạn nhân vụ sạt núi ở Bản Vẽ

Cống hiến thầm lặng

Với những tâm huyết và đóng góp cho ngành, bác sĩ Ngô Hường Dũng đã được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như Chiến sĩ thi đua Bộ Y tế, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Thầy thuốc Ưu tú, nhiều năm liền được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế về thành tích công tác…

Trăn trở lớn nhất của ông đó là cho đến nay, quan niệm xã hội vẫn còn quá nặng nề với nghề này. Có những gia đình, chồng đi làm pháp y vợ không cho ngủ cùng, phải ở lại cơ quan; có người nói dối không làm nghề pháp y, không dám thổ lộ công việc của mình với gia đình nhà vợ.

“Xã hội nhìn nhận nghề giám định chỉ có duy nhất việc khai quật mồ mả và mổ xác chết mà không hiểu hết đóng góp sâu rộng của nó với cuộc sống như: xác định thương tật, tình trạng sức khỏe, các dấu hiệu thân thể bị xâm phạm, kiểm tra, xác định vật chứng, tang chứng… Chúng tôi mong rằng mọi người sẽ nhận ra sự cần thiết và ý nghĩa của nghề này để từ đó cảm thông với công việc của chúng tôi và sẽ có thêm nhiều sinh viên ngành y lựa chọn nghề bác sĩ pháp y”, ông Dũng nói.

Nghề pháp y đã mang theo cái “nghiệp” lớn với những ai đã, đang và sẽ gắn bó với nó, thậm chí ảnh hưởng tới cả cuộc sống của chính họ. Đó là việc đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cao, là những ánh nhìn không mấy thiện cảm của người đời, bị gia đình của người tử nạn lăng mạ, bị kẻ ác “chơi xấu” vì góp phần vén bức màn sự thật, thường xuyên ra tòa… 

Nhưng vượt qua tất cả, mỗi ngày trôi qua, bác sĩ Ngô Hường Dũng cùng những đồng nghiệp của mình vẫn luôn là những con người dũng cảm, yêu nghề, cống hiến một cách thầm lặng cho xã hội.

 

 

Theo Báo Pháp Luật Việt Nam


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)