Tin tức chuyên ngành

Giám định pháp y tập trung về y tế: Tránh oan sai!

11 năm trước | 3135
 
(SKDS) – Dự thảo Luật Giám định tư pháp đang được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 thảo luận, ..
Giám định pháp y tập trung về y tế: Tránh oan sai!
 (SKDS) – Dự thảo Luật Giám định tư pháp đang được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 thảo luận, trong đó, vấn đề được quan tâm và bàn thảo nhiều nhất là có hay không việc tồn tại giám định pháp y ở công an tỉnh, thành. Từ thực tiễn cho thấy, sẽ phù hợp và khách quan hơn khi hoạt động giám định pháp y cấp tỉnh được tập trung vào một đầu mối là ngành y tế.

Rạch ròi: Pháp y  y tế và kỹ thuật hình sự

Mặc dù đang còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc thống nhất hoạt động giám định pháp y tại cấp tỉnh, tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng, không phải ai cũng hiểu sâu, cặn kẽ vấn đề này, nhất là về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn và phạm vi hoạt động của pháp y y tế và kỹ thuật hình sự công an trong quá trình phục vụ tố tụng.

TS. Vũ Dương - Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia cho biết, pháp y y tế là cơ quan sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ y học để phục vụ cho hoạt động tư pháp, tố tụng; kỹ thuật hình sự công an là cơ quan sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ điều tra để phục vụ cho quá trình điều tra chứng minh hành vi phạm tội. Về cơ bản, hai cơ quan này trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ có một số điểm chung nhưng nếu đi vào những vấn đề chuyên sâu thì hoàn toàn khác biệt.
 
Công việc chung giữa pháp y và kỹ thuật hình sự là liên quan đến dấu vết trên tử thi, khi khám ngoài, cả hai bên cùng khám quần áo, tư trang dấu vết thân thể bên ngoài. Nhưng khi giám định bên trong (mổ tử thi) thì hoàn toàn do pháp y y tế đảm nhiệm. Ví dụ, nạn nhân chết do đạn bắn, nhiệm vụ của pháp y là xác định nạn nhân chết do đạn thẳng hay do đạn ria, bị bắn tầm gần hay tầm xa…
 
Còn nhiệm vụ của kỹ thuật hình sự là phải xem cụ thể viên đạn ấy được bắn ra từ súng nào, súng loại gì... để sau đó trưng cầu pháp y giám định hung khí xem có phù hợp với dấu vết trên tử thi hay không. Hay nói một cách khác, tìm câu trả lời cho việc nạn nhân tử vong vì lý do gì và do đâu là nhiệm vụ của giám định pháp y y tế, còn kỹ thuật hình sự có nhiệm vụ thu thập hung khí gây án cụ thể để trưng cầu giám định.
 
Với quy trình làm việc như vậy, có thể nói, nhiệm vụ của pháp y y tế và kỹ thuật hình sự rất rạch ròi nhưng luôn xen kẽ, có từng giai đoạn cộng hưởng và tách ra độc lập. Pháp y và kỹ thuật hình sự là hai chuyên ngành được đào tạo khác nhau, sử dụng kiến thức khác nhau để phục vụ những nhiệm vụ khác nhau.
 
Yêu cầu khách quan, trung lập đặt lên hàng đầu

Trong quá trình điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra đều áp dụng quy trình khép kín, từ quyết định trưng cầu đến khâu khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai… Vấn đề đặt ra là kết luận về nguyên nhân tử vong lại do chính cơ quan giam giữ, dẫn giải đưa ra liệu có đảm bảo tính khách quan, nhất là các vụ chết người xảy ra đột ngột trong nhà tù, nơi tạm giam, tạm giữ hoặc khi truy bắt, trên đường dẫn giải.

Cũng liên quan tới tính khách quan, trung lập có ý kiến ngược lại cho rằng, nếu vụ chết người xảy ra trong bệnh viện, ở phòng khám bệnh tư nhân, giám định của pháp y y tế giám định có khách quan không? Trao đổi về vấn đề này, TS. Vũ Dương nhấn mạnh: Một vụ việc xảy ra liên quan đến ngành y tế, pháp y y tế tham gia giám định, đó chỉ là một khâu trong cả chuỗi quy trình điều tra phá án. Pháp y y tế chỉ giám định tử thi, còn khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai… đều do cơ quan điều tra thực hiện. Vì vậy, không thể nói pháp y y tế có khả năng bưng bít nguyên nhân chết người được.

Để tránh tình trạng oan sai, tạo niềm tin trong giải quyết các vụ án, nên để cơ quan giám định quy về một mối, cơ quan quản lý cơ quan giám định thật sự là “trọng tài” cung cấp chứng cứ khách quan khoa học, có vậy thì cơ quan trưng cầu tố tụng mới yên tâm, nhân dân mới tin tưởng.

Liên quan tới vấn đề này, theo báo cáo kết quả khảo sát về tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực giám định pháp y của Ủy ban Tư pháp khẳng định, việc giám định pháp y là hoạt động độc lập trong quá trình tố tụng, trong khi hoạt động điều tra do ngành công an đảm nhiệm và giám định pháp y cũng do giám định viên ngành này thực hiện nên dư luận có sự quan ngại về sự khách quan trong công tác điều tra là một thực tế khó tránh, đặc biệt là với các bị can bị chết trong thời gian đang tạm giam, tạm giữ.

Rõ ràng, việc pháp y tách ra độc lập với cơ quan điều tra và phối hợp với cơ quan điều tra để sáng tỏ vụ án sẽ tránh được tình trạng oan sai, tạo niềm tin trong tố tụng. Mô hình pháp y thuộc ngành y tế đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng đã chứng minh được tính khách quan. Do vậy, thiết nghĩ rằng, pháp y nên quy về một đầu mối là ngành y tế là điều cần thiết và hợp lý.

Theo SKDS

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)