Tính đến nay, tổng số giám định viên được bổ nhiệm và cấp thẻ là 3.115 người ...
Tính đến nay, tổng số giám định viên được bổ nhiệm và cấp thẻ là 3.115 người trên nhiều lĩnh vực khác nhau như pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính – kế toán, văn hóa, xây dựng, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải, nông lâm ngư nghiệp, khoa học kỹ thuật và một số lĩnh vực khác.
Trong đó, khoảng 722 giám định viên chuyên trách, chủ yếu là giám định viên kỹ thuật hình sự, giám định viên pháp y, còn lại là giám định viên pháp y tâm thần.
Ngoài ra, có 237 người giám định tư pháp theo vụ việc đã được Bộ Tư pháp lập và công bố danh sách, chủ yếu là các chuyên gia ở các lĩnh vực mới chưa có giám định viên tư pháp như công nghệ thông tin, điện lực, thương mại…
Những tưởng với đội ngũ giám định viên như trên đã đạt đến mức “hùng hậu”, nhưng thực tế, thiếu giám định viên vẫn là tình trạng phổ biến ở hầu hết các địa phương, nhất là giám định viên chuyên trách ở 3 lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Tính toán của Bộ Công an cho thấy, chỉ riêng trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự cũng còn thiếu đến 200 giám định viên.
Thiếu giám định viên đồng nghĩa với việc không thể thành lập được trung tâm giám định pháp y, hoặc chỉ có thể thực hiện được giám định chuyên ngành kỹ thuật hình sự mang tính truyền thống như tài liệu, đường vân khi yêu cầu về giám định tư pháp rất đa dạng, phức tạp và liên tục.
Tuy nhiên, một trong những điều khiến các giám định viên vụ việc chưa thực sự phát huy được vai trò chính là “vị trí” của họ. Theo TS. Vũ Dưỡng – Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, cái khó cho các giám định viên vụ việc là không phải lúc nào cũng được cơ quan chủ qủan tạo điều kiện cho họ đi thực hiện giám định vụ việc vì đó hoạt động nằm ngoài công việc của cơ quan. Ngoài ra, mức bồi dưỡng cho các giám định viên hiện còn chưa đáp ứng được công sức họ bỏ ra, cũng như thực tế cuộc sống, nên rất khó khích lệ các giám định viên vụ việc nhiệt tình với công tác giám định.
Thực tế cho thấy, đội ngũ giám định viên vụ việc là rất quan trọng vì không phải lĩnh vực nào cũng có thể có giám định viên chuyên trách. Hơn nữa, quá trình phát triển của kinh tế - xã hội làm nảy sinh rất nhiều vấn đề, lĩnh vực mà đội ngũ giám định viên chuyên trách không thể phát triển theo kịp, cần có sự hỗ trợ của các giám định viên vụ việc.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật Giám định tư pháp (đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo), các chuyên gia pháp lý đều cho rằng, cần có những qui định cụ thể, rõ ràng để ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chủ quản của các giám định viên vụ việc trong việc tạo điều kiện cho các giám định viên vụ việc thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Vì vậy, củng cố đội ngũ người làm công tác giám định, trong đó tạo điều kiện phát huy được vai trò của đội ngũ giám định viên vụ việc, là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới.
Theo Phapluatvn