Tin tức chuyên ngành

Góc khuất nghề pháp y - (Kỳ 12): Có bầu sau ngày chồng mất, ai gỡ nỗi hàm oan?

3 năm trước | 879

Lo tang xong cho người chồng bạc mệnh không may qua đời, người phụ nữ phát hiện mình mang bầu đã 3 tháng. Chị mừng vui thông báo cho gia đình chồng. Chẳng ngờ nghe xong, bên nội lại không tin đó là máu mủ. Suốt thời gian thai nghén, ít có ngày nào, nước mắt chị không rơi…

Góc khuất nghề pháp y - (Kỳ 12): Có bầu sau ngày chồng mất, ai gỡ nỗi hàm oan?

Nước mắt người vợ trẻ

Như nhiều cô gái khác, đến tuổi lấy chồng, chị Nguyễn Thị N. (tên nhân vật đã được thay đổi) được cha mẹ tác thành với người đàn ông mà chị yêu. Lấy nhau được gần một năm nhưng tin vui mãi không thấy, nỗi buồn của chị nhân lên theo từng tháng.

Khác với chị N., chồng chị lại nghĩ hai vợ chồng còn trẻ, không việc gì phải vội, cứ củng cố kinh tế trước rồi sinh con cũng không muộn, như vậy con cái sẽ có điều kiện sinh hoạt và học hành tốt hơn. Nghĩ vậy, anh quyết định đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc sau hơn một năm lấy vợ. 

Ngày chồng đi, chị N. khóc rất nhiều, chị lo chồng sang đó ốm đau không ai chăm, lo thân mình bên này sống hiu quạnh, trách chồng không đợi có con rồi hãy đi để ở nhà còn có mẹ có con… Nhưng anh an ủi chỉ đi vài năm rồi về sau đó sẽ sinh cả đàn con cho vợ vui. 

Tháng đầu, anh chăm chỉ gọi điện về động viên vợ, nhưng đến tháng thứ hai, thứ ba thì thưa dần rồi bỗng bặt tăm tin tức. Chị lo lắng không yên, hết tìm đến công ty xuất khẩu lao động lại tới khắp nhà những người đi cùng anh đợt đó để hỏi. Tin dữ ập đến, chồng chị nghe theo lời rủ rê của bạn bè đã trốn khỏi công ty ra ngoài làm cho một xưởng gia công và không may bị đánh chết trong một lần xô xát. 

Khóc chồng hết nước mắt, chị N. cùng lúc đó cũng phát hiện cơ thể mình có những chuyển biến khác lạ. Đi khám bác sĩ cho biết chị đã mang bầu 3 tháng. Theo tính toán của bác sĩ ngược về ngày thụ thai thì đó cũng là thời điểm hai vợ chồng chị tiễn biệt nhau trước khi anh đi, không nghĩ ngợi gì, chị vui mừng về thông báo kết quả cho nhà chồng những tưởng mọi người mừng cho anh có hậu thế.

Nhưng sự đời tréo nghoe, ông trời khéo sắp đặt, vừa nghe xong, bố mẹ chồng, các em chồng và họ hàng nhà chồng đã không vui còn nói thẳng không tin đó là máu mủ nhà họ. 

“Anh tôi lấy chị một năm liền chẳng có gì, vậy mà anh tôi vừa đi vài tháng chị lại thông báo có bầu thì làm sao chúng tôi tin là con anh tôi được. Cái thứ đàn bà lăng loàn như chị mà cũng nghĩ sẽ qua mặt được nhà này ư?” – cô em chồng chị vừa nói vừa chỉ tay xỉa xói vào mặt chị dâu. 

Không dừng lại ở đó, nhà chồng đã đánh đập và đuổi chị N. đang bụng mang dạ chửa về nhà cha mẹ đẻ và bắt cha mẹ chị phải trả lại sính lễ cưới hỏi.

Gỡ bỏ hàm oan

Trong suốt thời gian thai nghén, nước mắt là “thức ăn” thường xuyên của chị cả ngày lẫn đêm. Nước mắt của sự cô đơn, tủi nhục, nước mắt của sự oan ức mà chẳng biết cách gì chứng minh mình trong sạch, nước mắt của sự thương mẹ, thương cha vì con mà chịu nhục, chịu sự xỉa xói của thông gia, của miệng đời trái ngang… 

Nhưng nhờ trời thương, chị vẫn sinh nở suôn sẻ, một cậu con trai giống bố như đúc ra đời. Ngắm con, chị động viên mình cố gắng sống vì con.

Thời gian thấm thoắt trôi, con trai chị đã tròn 3 tuổi, càng lớn càng lanh lợi, giống bố. Một lần trong một chương trình tivi chị vô tình biết được muốn chứng minh huyết thống thì nhờ xét nghiệm ADN. Nỗi khát khao chứng minh sự trong sạch của mình đã tiếp sức cho chị tìm đến nhà chồng và đề nghị họ đi cùng với chị ra Hà Nội làm xét nghiệm ADN cho thằng bé.

Các giám định viên của Viện Pháp y quốc gia cho biết, đi cùng mẹ con chị N. đến Viện hôm đó còn có một người đàn ông tự nhận là bố chồng chị N. Cách đối xử, nói năng của người đàn ông này cũng rất xa cách với mẹ con chị N. 

Đến ngày hẹn nhận kết quả, hai mẹ con chị N. và người đàn ông đó lại đến Viện. Ba người mỗi người một tâm trạng, cháu bé thì vô tư chơi đùa, chị N. thì căng thẳng thỉnh thoảng lại lén đưa tay lên chùi nước mắt. Còn người đàn ông thì lạnh lùng như thể chắc rằng khoa học cũng rồi cũng sẽ bó tay không thể nào minh oan cho sự hư hỏng của cô con dâu. 

Khi kết quả “có quan hệ huyết thống” được các giám định viên đưa ra, đồng nghĩa bố đứa trẻ chính là người chồng đã quá cố của chị N. Chị N. không ngoại tình như mọi người đã đổ tiếng oan. Nhà chồng chị N. từ nay đã có đứa cháu đích tôn (vì chồng chị là con trai duy nhất) thì mọi cảm xúc như vỡ òa ngay tại phòng trả kết quả.

Chị N. bật khóc tức tưởi. Người đàn ông là bố chồng chị N., ông nội đứa trẻ sau phút giây sững người cũng òa khóc xin lỗi hai mẹ con chị N. Ông ta nói, chỉ vì nghe lời đàm tiếu của mọi người xung quanh mà không phân biệt được sự thật đến nỗi hắt hủi cả cháu đích tôn duy nhất của cả dòng họ… 

ADN – oán trách hay biết ơn?

Ngạn ngữ có câu “Nửa ổ bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật nữa”. Là một thành tựu của khoa học nhưng lắm khi công nghệ AND bị oán trách thay vì biết ơn. Vì với ADN chỉ có duy nhất một sự thật, cho dù sự thật đó có thể khiến người ta hạnh phúc hoặc đau khổ. 

Có thể nói nếu như không có kết quả ADN thì có lẽ cuộc đời chị N. sẽ phải sống trong sự thị phi và những điều tiếng không hay cả đời. Theo Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia Nguyễn Đức Nhự, trung bình mỗi năm Viện Pháp y Quốc gia nhận được khoảng trăm lá đơn xin đăng ký làm xét nghiệm ADN với mục đích dân sự, trong đó đa phần là nhằm xác nhận quan hệ huyết thống giữa cha và con. 

Câu chuyện đầy nước mắt của chị N. chỉ là một trong số hàng nghìn những mảnh đời, số phận tìm đến Viện Pháp Y để thực hiện xét nghiệm ADN. Có rất nhiều người nhờ ADN đã cứu vớt được hạnh phúc trước nguy cơ tan vỡ, nhưng cũng không ít người đau khổ trước sự thật được phơi bày… 

Khác những lĩnh vực khác, sự sai sót của máy móc, sự kém cỏi của năng lực trong việc giám định ADN nếu có sẽ dẫn đến những sai lầm “chết người”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội và các cá nhân, thay vì có thể sửa chữa, bỏ qua. Và nếu như hoạt động giám định đó lại phục vụ tố tụng thì tính chính xác được yêu cầu là tuyệt đối. 

Chính vì thế, Bộ Y tế đã quy định rõ quy trình giám định ADN bao gồm 10 quy trình, trong đó cụ thể từng khâu như: giám định ADN đối với mẫu máu; giám định ADN đối với lông, tóc; giám định ADN đối với tế bào niêm mạc miệng; giám định ADN đối với mẫu mô… 

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Hữu Hảo – Trưởng khoa Y sinh học Viện Pháp y quốc gia cho biết, tính chính xác của kết quả giám định AND bên cạnh việc cần có những máy móc hiện đại thì còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của giám định viên. 

“Ví dụ như khi giám định những mẫu xương vi vết (những mẫu xương đã tồn tại ngoài hiện trường lâu năm), những mẫu AND đã bị phân hủy vì nhiều tình huống khách quan sẽ cần những giám định viên giỏi, nếu không sẽ bị tạp nhiễm cho kết quả không chính xác” – theo ông Hảo.

Được biết hiện nay nhiều cơ sở hoạt động trong lĩnh vực giám định gen hướng dẫn người có nhu cầu giám định lấy mẫu rất sơ sài, dù rằng trong việc giám định việc lấy mẫu giám định đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ví dụ như đối với ADN ty thể (phân tích xương) đoạn càng dài thì độ chính xác càng cao; đối với ADN huyết thống thì số lượng locus (vị trí của gen trên nhiễm sắc thể) càng nhiều thì độ chính xác càng cao… 

Và điều cuối cùng muốn nói đến, đó chính là đạo đức làm nghề của người giám định. Với các giám định viên, mỗi vụ việc giám định là mỗi lần để họ hiểu trách nhiệm làm nghề của mình hơn. Bởi ADN không bao giờ cho kết quả sai khi người làm ra nó có tính trung thực, áp dụng đúng, đảm bảo quy trình một cách nghiêm túc khi thực hiện xét nghiệm. Và cũng là mỗi lần để họ hiểu cuộc đời nhiều hơn, như lời chia sẻ của ông Hà Hữu Hảo.

“Nhiều người hỏi tôi, liệu có phải vì ADN mà hạnh phúc của nhiều gia đình bị tan vỡ hay không? Tôi khẳng định là không. ADN chính là sự phản ánh lại xã hội. Nếu trong gia đình họ yêu thương nhau thực sự, niềm tin được gây dựng bền chặt, hai vợ chồng đều có lối sống lành mạnh, không có những bí mật cần đến ADN giải mã thì chẳng có gì có thể xen ngang được. Ngược lại, dù kết quả ADN có khẳng định là đúng nhưng giữa con người chẳng còn tình yêu, sự tin tưởng thì cũng sẽ sớm tan vỡ mà chẳng cần ai phải tác động” – ông Hảo tâm sự. 

Đến đây thì câu hỏi “ADN oán trách hay biết ơn?” hẳn đã có câu trả lời. Khoa học cũng như chân lý chỉ có một chứ không thể có những thứ tương tự. Thế nên, với AND đã, đang và sẽ có giọt nước mắt vui, có giọt nước mắt buồn. Nhưng giọt nước mắt nào rơi ở phòng trả kết quả giám định ADN cũng mặn đắng những nỗi niềm…

Theo Báo Pháp luật Việt Nam

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)