Pháp y không thể thiếu trong một xã hội, mà ở đó mọi người sống theo Hiến pháp và làm theo pháp luật, sức khỏe và nhân phẩm con người được pháp luật bảo vệ, chưa có thời điểm nào chuyên ngành pháp y có nhiều cơ hội khẳng định mình như hôm nay, và cũng chưa bao giờ pháp y lại phải chịu nhiều sức ép nặng nề như hiện tại, nhất là Pháp y đang đi trên một hành lang pháp lý chưa thật sự an toàn...
Nhiều vụ án liên quan đến sức khỏe, nhân phẩm, tính mạng con người, kết luận của pháp y là chứng cứ duy nhất để Tòa căn cứ vào đó mà định ra khung hình phạt, nhưng tư cách giám định viên và bản kết luận giám định, tính pháp lý của cả hai hiện vẫn là vấn đề nổi cộm. Để cải thiện vấn đề trên Chính phủ đã có Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/ 02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định Tư pháp”. Nhằm củng cố và hoàn thiện Giám định tư pháp (GĐTP) trong đó có chuyên ngành pháp y để pháp y làm tròn chức năng, nhiệm vụ được giao, cũng là đáp ứng nhu cầu của nhân dân và yêu cầu của pháp luật.
Với sự chủ trì của Bộ Tư pháp, Luật GĐTP đã qua 10 lần chỉnh sửa. Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật GĐTP, tin chắc rằng khi Luật được thông qua sẽ đem lại sức sống mới cho pháp y, cũng là hoàn thiện hệ thống Luật Việt Nam, nhất là Luật có liên quan đến vốn quý nhất của xã hội đó là nhân phẩm và sức khoẻ con người. Hội Pháp y học Việt Nam xin được cung cấp các số liệu cụ thể về hệ thống tổ chức, thực trạng cũng như những hoạt động của pháp y nước ta để các Đại biểu có thêm thông tin cần thiết, giúp cho việc xây dựng Luật GĐTP được đầy đủ và sớm được ban hành.
I . THỰC TRẠNG VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC PHÁP Y
1- Hệ thống tổ chức:
Căn cứ Pháp lệnh GĐTP số 24/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/9/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XI. Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh GĐTP. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Viện Pháp y Quốc gia trực
thuộc Bộ Y tế và Pháp lệnh GĐTP quy định Viện Pháp y Quốc Gia có chức năng nhiệm vụ:
- Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Pháp lệnh giám định tư pháp;
- Nghiên cứu khoa học về pháp y;
- Tham gia đào tạo sau đại học về chuyên ngành pháp y theo quy định của pháp luật về giáo dục;
- Xây dựng quy chuẩn chuyên môn về giám định pháp y;
- Xây dựng chương trình và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ pháp y cho giám định viên pháp y, hướng dẫn nghiệp vụ pháp y cho các tổ chức pháp y trong toàn quốc;
- Tổng kết, báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về hoạt động giám định pháp y trong ngành y tế, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám định pháp y;
- Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y;
- Các nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Để đáp ứng nhu cầu giám định và kiện toàn hệ thống Pháp y, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 1184/QĐ-BYT ngày 21/4/2011 về việc thành lập Phân viện Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ở địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập được 39 Trung tâm Pháp y; 16 Phòng pháp y, còn 8 Tổ chức giám định pháp y.
Trung tâm Pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng nhiệm vụ:
- Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp lệnh giám định tư pháp;
- Nghiên cứu khoa học về pháp y;
- Báo cáo Sở Y tế, Sở Tư pháp về tổ tổ chức, hoạt động giám định pháp y ở địa phương;
- Các nhiệm vụ khác theo quy định của UBNND tỉnh.
Dù cơ cấu tổ chức và tên gọi có khác nhau, nhưng hệ thống Pháp y Y tế đã phủ sóng toàn quốc, được cả hệ thống Bệnh viện, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học Y từ trung ương đến địa phương. Đây là sự phối hợp đồng bộ của ngành Y tế, hỗ trợ chuyên ngành pháp y hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cơ quan trưng cầu và nhân dân tin tưởng.
Các Trung tâm này đáp ứng kịp thời theo trưng cầu của cơ quan điều tra ở địa phương. Đảm bảo thời gian, tính khách quan, khoa học. Trung tâm ra đời đã đánh dấu một giai đoạn phát triển của chuyên ngành Pháp y, đây cũng là cơ sở cho các giám định viên, phát huy hơn nữa quyền làm chủ, tự chịu trách nhiệm và tính sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Pháp lệnh GĐTP quy định Trung tâm pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự có các nhiệm vụ:
- Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Pháp lệnh Giám định tư pháp ;
- Nghiên cứu khoa học pháp y;
- Các chức năng nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
2- Nguồn nhân lực:
Hàng năm, Viện Pháp y Quốc Gia được Bộ Y tế giao biên chế để tăng nguồn lực. Ở địa phương: Bộ Y tế cùng với Bộ Nội vụ ra Thông tư Liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước trong đó có quy định. Đối với các Trung tâm Pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tùy theo dân số mà số biên chế của mỗi Trung tâm từ 12 đến 25 người.
Cụ thể:
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước tổng số có 1023 giám định viên. Trong đó, trên 2/3 có trình độ sau đại học.
Các giám định viên trong toàn quốc được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, cơ bản về kiến thức pháp luật, đáp ứng được số lượng, tinh thông về nghiệp vụ.
Pháp y trong Công an về số lượng: Trung tâm pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự có 12 Bác sĩ; các tỉnh có 1đến 2 Bác sĩ trong phòng Kỹ thuật hình sự.
3- Cơ sở vật chất-Trang thiết bị:
Ở Trung ương, Bộ Y tế phê duyệt xây dựng Viện Pháp y Quốc Gia 333 tỷ trên khu đất 30 nghìn m2 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Với 39 Trung tâm Pháp y đã có trụ sở riêng, 16 phòng pháp y nằm trong Bệnh viện tỉnh, 8 Tổ chức giám định pháp y chung cơ sở với giám định y khoa.
Trung tâm Pháp y Vĩnh Phúc được đầu tư 18 tỉ xây dựng mới trên diện tích 4000m2 và Trung tâm Pháp y Đà Nẵng được đầu tư 7 tỉ xây dựng mới trên diện tích 1000m2. Các nơi khác có cơ sở cũng có diện tích từ 500 đến 1.000m2 đất để làm trụ sở đáp ứng được hoạt động của cơ quan.
Viện Pháp y Quốc Gia: được Bộ Y tế đầu tư khá hoàn chỉnh qua một số dự án bổ sung trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu giám định. Gần đây nhất là Dự án đầu tư trang thiết bị cho Khoa Hóa pháp (II) với tổng mức đầu tư 42.501.080.000 đồng
Ở địa phương có 41 đơn vị (Trung tâm Pháp y, Phòng Pháp y và Tổ chức giám định pháp) được trang bị các thiết bị cơ bản để phục vụ công tác giám định. Trong đó nhiều địa phương đã có hệ thống xét nghiệm vi thể. Riêng Trung tâm Pháp y Kiên Giang đã được đầu tư khoảng 25 tỷ mua sắm trang thiết bị, Trung tâm Pháp y Tp. Hồ Chí Minh là 34 tỷ cho mua sắm trang thiết bị. Có 35 địa phương có xe ô tô đi khám nghiệm.
Pháp y trong Công an ở các tỉnh không có cơ quan giám định pháp y nên không có đầu tư chủ yếu chỉ có 01 bộ dụng cụ mổ tử thi. Trung tâm pháp y Công an thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng chỉ có bộ mổ tử thi và mọt phòng xét nghiệm vi thể ; chủ yếu bộ phận giám định sinh vật của Viện Khoa học hình sự được đầu tư.
4- Kết quả đã đạt được:
Mặc dù còn khó khăn về cơ sở, vật chất, trang thiết bị, kinh phí nhất là khó khăn về nguồn nhân lực trong lĩnh vực Pháp y. Tuy nhiên từ khi được thành lập đến nay Hệ thống Pháp y cũng đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong công tác chuyên môn, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế như sau:
a. Công tác chuyên môn:
Chất lượng các vụ giám định đạt kết quả với mức độ chính xác cao, thờì gian nhanh, không có các sai sót lớn về chuyên môn, đảm bảo yêu cầu của các cơ quan trưng cầu giám định và không để tồn đọng các vụ giám định.
Năm 2010 Pháp y y tế đã tham gia giải quyết 50.712 vụ việc có liên quan đến pháp y. Trong đó có một số vụ việc phức tạp, kéo dài, giám định nhiều lần ở cơ quan giám định khác nhau, Viện Pháp y Quốc Gia đã giải quyết dứt điểm.
b. Công tác đào tạo:
Công tác đào tạo luôn là một trong những nhiệm vụ quan trong hàng đầu trong lĩnh vực Pháp y, nhằm phát triển nguồn nhân lực nâng cao năng lực chuyên môn về pháp luật tăng cường nhận thức về pháp luật bổ sung đội ngũ kế cận làm công tác Pháp y trong cả nước. Trong thời gian qua đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu công tác Pháp y pháp luật cho các giám định viên pháp y trong toàn quốc, kể cả pháp y công an.
Cụ thể:
Trong năm 2010: Đào tạo trong nước cho 82 giám định viên
+ Bảo vệ thành công 1 Tiến sĩ, đưa đi đào tạo 2 Tiến sĩ, 2 Cao học.
+ Đào tạo nước ngoài : Hàn Quốc 6 người, Đài Loan 1 người.
- Tham gia giảng dạy chuyên môn pháp y tại trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Y - Dược Cần Thơ, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Cao đẳng Y tế Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, đối tượng là sinh viên dài hạn và liên thông.
c. Nghiên cứu khoa học:
+ Năm 2010 :
- 01 đề tài cấp Bộ
- 05 đề tài cấp cơ sở :
d. Hợp tác trong nước :
Thực hiện tốt công tác hợp tác trong nước. Đã thúc đẩy mối quan hệ trong đào tạo về lĩnh vực Pháp y với các đơn vị Bộ môn Y pháp Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Thái Bình, Đại học Y – Dược thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y – Dược Cần Thơ… Học viện Cảnh sát nhân dân, Viện Công nghệ sinh học, Viện Kiểm nghiệm thuốc TW, Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh Y tế công cộng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm chẩn đoán y khoa MEDIC thành phố Hồ Chí Minh và một số đơn vị khác với các hình thức đào tạo tại chỗ, gửi đi đào tạo, đào tạo liên thông y sỹ, dược sỹ trung học cho các địa phương và trang bị các kiến thức cơ bản phục vụ cho công tác giám định pháp y.
đ. Hợp tác quốc tế:
Viện Pháp y Quốc gia đã hợp tác Quốc tế với các Viện pháp y trong khu vực và thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới, Pháp y Hàn Quốc, Úc, Singapore, Mỹ, Đức, Nhật, Ac- hen- ti- na, Trung Quốc, Thái Lan, Cộng hòa liên bang Nga. Đã gửi đi đào tạo 7 học viên trong đó có 03 học viên về độc chất, 03 học viên về gene và 01 học viên về khám nghiệm đại thể tại Viện Pháp y Hàn Quốc.
II. GÓP Ý VỀ DỰ THẢO LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP.
Những năm qua, Giám định tư pháp(GĐTP) nói chung và Pháp y nói riêng nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ Ngành liên quan, Pháp y đã có những bước tiến đáng kể. Sau hơn 5 năm thực hiện Pháp lệnh GĐTP, Pháp y đã có một đội ngũ giám định viên tinh thông về chuyên môn, vững về pháp luật, với hàng loạt các trang thiết bị được đầu tư hiện đại, giúp cho công tác giám định ngày càng tốt hơn. Tuy vậy, còn nhiều vấn đề bất cập mà Pháp lệnh GĐTP chưa giải quyết được. Việc ban hành Luật GĐTP để thay thế Pháp lệnh GĐTP là rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu bức thiết của chuyên ngành, tạo sự vững mạnh cho một Nhà nước pháp quyền, nâng cao uy tín của chuyên ngành và Nhà nước ở khu vực và trên thế giới.
Qua tham gia xây dựng Dự thảo Luật GĐTP, Hội Pháp y học Việt Nam nhất trí cao với hầu hết các nội dung mà Ban soạn thảo đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp và rất mong Luật GĐTP sớm được thông qua, kịp thời bổ sung cho hệ thống Luật ngày càng phong phú và hoàn chỉnh.
Khi thảo luận còn có ý kiến khác nhau về Điều 15 của Dự thảo Luật, quy định Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y gồm có:
1, Viện Pháp y Quốc Gia.
2, Trung tâm pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3, Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.
4, Viện Pháp y Quân đội.
Dự thảo Luật quy định không có pháp y trong lực lượng Công an, đáp ứng với yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp nước nhà, đặc biệt được Nghị quyết 49/ NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, mang tính hội nhập phù hợp với thông lệ Quốc tế với những căn cứ sau:
1. Căn cứ khoa học:
- Pháp y là Khoa học của ngành Y, ngành Y đào tạo ra tất cả các chuyên ngành y từ sơ cấp đến đại học và sau đại học do một giáo trình, một hệ thống các trường Đại học Y, trường Đại học Y Dược, các Viện thuộc ngành y tế. Dù Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có Cục Quân y, có một số bệnh viện nhưng cũng do y tế chỉ đạo. Chuyên ngành Pháp y hiện nay đều do các Bộ môn Pháp y của Trường đại học Y và Viện Pháp y Quốc Gia giảng dạy. Các bác sĩ pháp y trong cả nước cũng được đào tạo từ đây ra.
Viện Pháp y Quốc Gia (và trước đây là Viện Y học tư pháp TW) đã có 16 khóa đào tạo về nghiệp vụ pháp y tại Viện và hàng chục các lớp tập huấn tại địa phương cho cả Pháp y y tế và Pháp y công an. Tham gia nghiên cứu hàng trăm đề tài cấp Bộ và cấp cơ sở về lĩnh vực giám định pháp y.
Cho đến nay, các tài liệu giảng dạy về Pháp y đều do các Tác giả là những chuyên gia Pháp y trong ngành Y tế biên soạn như “Bài giảng pháp y” (Tác giả PGS.TS Trần Văn Liễu- Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Pháp y- Đại học Y Hà Nội). Các sách về chuyên ngành Pháp y do Nhà xuất bản Y học phát hành như cuốn “ Chấn thương với giám định pháp y” của PGS.TS Đinh Gia Đức (Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Pháp y- ĐHY HN); “Giám định pháp y với hình sự”của nhóm tác giả trong Bộ môn Pháp y- ĐHYHN. Các cuốn “ Ngạt cơ học”; “Pháp y treo cổ”; “ Pháp y giới tính”; “ Pháp y tình dục” tác giả là TS Vũ Dương (Viện trưởng Viện Pháp y Quốc Gia).
Để Pháp y có kết luận mang tính khoa học, khách quan và chính xác Bộ Y tế chỉ đạo cả hệ thống các Bệnh viện từ trung ương đến địa phương sẵn sàng phục vụ cho Pháp y khi giám định viên yêu cầu. sự hỗ trợ của kiến thức chuyên khoa, của trang thiết bị để Pháp y đáp ứng được nhiệm vụ. Vì tất cả các vụ án liên quan đến sức khỏe, nhân phẩm và tính mạng con người, nhiều vụ án Pháp y là nguồn chứng cứ duy nhất cho cơ quan tố tụng.
2. Căn cứ yếu tố lịch sử:
Theo tài liệu còn lưu trữ, trước năm 1945, Giám định pháp y chủ yếu do các Giáo sư, các bác sĩ thuộc Trường Đại học Y, Bệnh viện trung ương và Bệnh viện các tỉnh đảm nhận.
Ngày 12/12/ 1956, Bộ Tư pháp- Bộ Y tế có Thông tư liên bộ số 2795/HC-TP quy định về một số điểm cụ thể trong công tác Giám định pháp y, quy định cho các Sở Y tế, Ty Y tế thực hiện công tác này. Trong Thông tư có ghi: “ Từ trước tới nay sự phối hợp giữa cơ quan Y tế với Công an, Tòa án trong công tác giám định pháp y đã đem lại kết quả tốt là sự giúp cho cơ quan điều tra khám phá ra một số vụ phạm pháp”.
Những năm 1975-1980, do điều kiện kinh tế đất nước khó khăn, bác sĩ ở Miền Nam di tản, bác sĩ Miền Bắc phải tăng cường cho miền Nam sự dàn trải ấy làm cho lực lượng bác sị mỏng, hơn nữa, chế độ chính sách cho những người làm Pháp y chưa được quan tâm, mặt khác cũng không có chế tài khi từ chối làm Pháp y, do vậy giám định viên pháp y Y tế bị mai một. Để đáp ứng yêu cầu công việc, lực lượng Công an buộc phải tự hình thành bộ phận pháp y để đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt.
Năm 1988, Nghị định 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng được ban hành, thành lập các Tổ chức giám định pháp y, lúc này Y tế và Công an đều hoạt động chung trong Tổ chức pháp y, UBND tỉnh hoặc Sở Y tế quản lý.
Từ khi Pháp lệnh Giám định tư pháp ra đời ngày 29/9/2004 thì một số tỉnh pháp y công an đã tách ra trực thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh. Như vậy Pháp y nước ta chủ yếu do Y tế đảm nhiệm và đã có lịch sử lâu dài, đến nay cả 63 tỉnh thành Y tế đều có pháp y và hầu hết là các Trung tâm chuyên trách theo Pháp lệnh Giám định tư pháp.
3. Căn cứ cơ sở thực tiễn:
Số lượng Giám định viên pháp y Y tế hiện tại là 1023 trong đó 2/3 có trình độ trên đại học, có đội ngũ Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp I; cấp II.
Về thực hiện giám định theo trưng cầu của Cơ quan điều tra, Cơ quan tố tụng, hầu hết đều do Pháp y y tế thực hiện. Theo tài liệu của Bộ Công an báo cáo năm 2010 trên cả nước có 61.547 vụ phải giám định Pháp y, pháp y Y tế giải quyết 50.712 vụ (chiếm 82,4%); pháp y Công an giám định 10.835 vụ (chiếm 17,6%); số liệu trên cũng phù hợp với báo cáo của Viện Pháp y Quốc Gia.
4. Chức năng nhiệm vụ của Pháp y và Kỹ thuật hình sự:
Pháp y và Kỹ thuật hình sự khi khám nghiệm tử thi có phần giống nhau nhưng phần lớn là riêng biệt.
- Công việc giống nhau giữa Pháp y và Kỹ thuật hình sự, liên quan đến dấu vết trên tử thi, khi khám ngoài hai bên đồng khám quần áo, tư trang dấu vết trên thân thể bên ngoài.
- Khi giám định bên trong thì hoàn toàn do bác sĩ Pháp y đảm nhiệm. Nhiệm vụ của Pháp y xác định nạn nhân chết do đạn thẳng, do đạn ria, bị bắn tầm kề, tầm gần, tầm xa, thương tích xảy ra khi nạn nhân còn sống hay sau khi chết, thương tích là vật nhọn, vật sắc...
- Nhiệm vụ của Kỹ thuật hình sự phải xem cụ thể bắn từ cây súng nào, vật nhọn vật sắc cụ thể, đường vào của thủ phạm để gây án.
- Bác sĩ Pháp y nghi dấu vết trên tường là máu, nghi dấu vết trên giường, quần áo có nguồn gốc sinh học, Kỹ thuật hình sự có nhiệm vụ thu và bảo quản dấu vết này.
- Bác sĩ Pháp y xác định nạn nhân chết do chấn thương do vật tày, vật sắc nhưng vật này là cột đèn, bộ phận nào của môtô hay ôtô, tốc độ của xe là do Kỹ thuật hình sự. Kết luận của Pháp y là chết do đa chấn thương, kết luận của Kỹ thuật hình sự là chết do tai nạn giao thông, chết do ngã…
- Vấn đề giám định tỷ lệ phần trăm bị giảm do di chứng của chấn thương, giám định vết thương do vật gì gây ra công việc đó hoàn toàn của bác sĩ Pháp y, giám định hung khí gây ra thương tích cũng do bác sĩ Pháp y, nhưng thu thập hung khí để trưng cầu Pháp y giám định là nhiệm vụ của Kỹ thuật hình sự.
Như vậy không thể ra mệnh lệnh mà bắt bác sĩ Pháp y làm thay Kỹ thuật hình sự và ngược lại, vì Kỹ thuật hình sự và Pháp y là hai chuyên ngành sử dụng kiến thức và được đào tạo khác nhau, trách nhiệm khác nhau.
5. Về tính pháp lý:
Trong tất cả các văn bản pháp quy có liên quan tới hoạt động của giám định tư pháp cho thấy:
- Tại “Thông tư liên bộ Y tế- Tư pháp số 2795/HC-TP ngày 12/12/1956 quy định về một số điểm cụ thể trong công tác giám định pháp y” Gửi: - Ủy ban hành chính các Khu, Thành phố và Tỉnh- Tòa án nhân dân- Sở Y tế và Ty Y tế. Ở mục “Việc lưa chọn giám định viên” quy định: Danh sách giám định viên của tỉnh do Tòa án nhân dân tỉnh sau khi lấy ý kiến của Ty Y tế đề cử; Đối với thành phố và địa phương do trung ương lãnh đạo trực tiếp thì do Tòa án nhân dân các thành phố và địa phương ấy sau khi lấy ý kiến của cơ quan y tế sở quan…Như vậy, Thông tư này không quy định có pháp y trong lực lượng Công an.
- Nghị định 117-HĐBT ngày 21/7/1988 về giám định tư pháp của Hội đồng Bộ trưởng, tại Điều 3 có quy định Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Bộ Quốc phòng có giám định viên pháp y.
- Pháp lệnh Giám định tư pháp ngày 29/9/2004 của UBTVQH về giám định tư pháp quy định về Tổ chức giám định pháp y gồm:
1. Viện Pháp y Quốc Gia.
2. Trung tâm Pháp y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Viện Pháp y quân đội; Trung tâm pháp y thuộc Viện khoa học hình sự của Bộ Công an.
Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giám định viên pháp y trong Phòng kỹ thuật hình sự, không có tổ chức pháp y riêng.
- Viện Pháp y Quốc Gia do Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập; các Trung tâm pháp y tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định thành lập;
- Trung tâm Pháp y của Công an nằm trong Viện Khoa học hình sự và do Tổng cục Hậu cần ra Quyết định thành lập.
6. Niềm tin trong giám định:
Trong đời sống xã hội, mọi vi phạm cần phải xử lý khách quan nhất là các việc liên quan đến sinh mạng con người. Quá trình điều tra vụ án mạng áp dụng quy trình khép kín, từ quyết định trưng cầu đến khâu khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai… do một cơ quan chỉ đạo, dù khách quan đến đâu, người ngoài cuộc cũng vẫn nghi ngờ, dù khoa học gì đi chăng nữa niềm tin cũng không trọn vẹn.
Nhất là các vụ chết người xảy ra đột ngột trong nhà tù, nơi tạm giam, nhà tạm giữ hoặc khi truy bắt, trên đường dẫn giải. Nhưng kết luận về nguyên nhân tử vong lại chính do cơ quan giam giữ, dẫn giải đưa ra thì dư luận khó đồng tình.
Có người lại đặt vấn đề: Nếu vụ chết người xảy ra trong bệnh viện, ở phòng khám bệnh tư nhân, giám định của Pháp y Y tế giám định, liệu có khách quan không?
Câu hỏi đó mới nghe tưởng chừng như có lý, nhưng đi sâu vào giải quyết, thực chất lại hoàn toàn khác.
Một vụ việc xảy ra liên quan đến y tế, Pháp y Y tế tham gia giám định, đó cũng chỉ là một khâu trong chuỗi quy trình điều tra phá án. Pháp y y tế chỉ giám định tử thi còn lại khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai…do cơ quan điều tra thực hiện. Vì vậy, không thể nói; Pháp y Y tế có khả năng bưng bít nguyên nhân chết người được. Đặc biệt nếu có xảy ra chết người trong quá trình điều trị, cũng chỉ là tội vô ý hoặc thiếu trách nhiệm, chứ không thể nói thầy thuốc đã dùng bạo lực làm chết bệnh nhân.
Có người lại lý luận; cứ để nhiều cơ quan giám định, cơ quan trưng cầu có sự lựa chọn cho khách quan và làm nhiệm vụ đối trọng, ý tưởng ấy cũng không thuyết phục. Vì trưng cầu giám định, nhất là giám định tử thi, đây là độc quyền của cơ quan điều tra, không như món hàng, người dân thấy nơi nào tốt rẻ hợp lý là mua.
Ngược lại nhiều cơ quan giám định, để có sự lựa chọn và khách quan sao lại chỉ có ở Pháp y mà không có ỡ lĩnh vực khác như: Kỹ thuật hình sự, kế toán tài chính, văn hoá nghệ thuật, xây dựng…
Việc trưng cầu ở đây do chính cơ quan điều tra thực hiện, chứ không phải những người trong cuộc có quyền, nhất là trong giai đoạn hiện nay, người dân ở vùng sâu, vùng xa, sự hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân còn hạn hẹp. Khi gia đình đang trong “tang gia bối rối” lúc tỉnh lại mọi việc đã rồi.
Để tránh tình trạng oan sai, tạo niềm tin trong giải quyết các vụ án, nên để cơ quan giám định quy về một mối, cơ quan quản lý cơ quan giám định thật sự là trọng tài cung cấp chứng cứ khách quan khoa học, có vậy cơ quan trưng cầu tố tụng mới yên tâm, nhân dân mới tin tưởng.
Đứng về quan hệ quốc tế và hội nhập, chúng ta là thành viên của khối Asean cả mười nước này Pháp y cũng nằm ở y tế và tư pháp. Xa hơn là các nước tiên tiến như Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nga… Pháp y cũng nằm riêng biệt với cơ quan điều tra.
Đến lúc chúng ta cũng nên suy nghĩ về vấn đề hội nhập và mối quan hệ với các nước, để vừa hội nhập, đổi mới vừa nâng cao tầm vóc các Luật của Việt Nam.
7. Thông lệ Quốc tế:
Hầu hết các nước trên thế giới có Pháp y đều do Bộ Y tế hoặc Bộ Tư pháp quản lý hoặc nằm trong các Trường đại học, không có Pháp y trong lực lượng Công an. Hiện nay chỉ có Việt Nam; Trung Quốc; Cu Ba là có Pháp y trong lực lượng Công an. Chúng ta đã là thành viên khối ASEAN và gia nhập WTO, cũng nên theo thông lệ ấy.
Như vậy, Pháp lệnh Giám định Tư pháp ra đời hình thành tính chuyên nghiệp trong Giám định Pháp y nhưng còn bất cập một số mặt. Luật giám định tư pháp tới đây phải điều chỉnh được các bất cập mà Pháp lệnh chưa giải quyết đó là đưa Hệ thống Pháp y quy về một mối thống nhất và hoàn chỉnh từ Trung ương tới địa phương, tạo thế ổn định, phát triển lâu dài, đổi mới và hội nhập.
Với những lý do nêu trên, đã đến lúc phải đặt Pháp y đúng vị trí và sự quản lý sao cho phù hợp. Việc thống nhất Pháp y thành một hệ thống từ TW tới địa phương là rất cần thiết không những phù hợp với thông lệ Quốc tế, mà còn đáp ứng được nhu cầu cải cách hiện nay.
Rất mong Quốc hội có sự đồng thuận cao để Luật Giám định Tư pháp sớm được ban hành, nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, giúp cho công tác giám định tư pháp nói chung và giám định pháp y nói riêng không ngừng phát triển, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng cũng như của xã hội.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Bộ Y tế ( để báo cáo);
- TT Nguyễn Viết Tiến( để báo cáo);
- Tổng hội Y học VN;
- Lưu.
|
T/M BAN THƯỜNG VỤ
HỘI PHÁP Y HỌC VN
CHỦ TỊCH
PGS.TS. Trần Văn Liễu
|