LTS: Trong tuần làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIII, QH dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp. Đối với dự án Luật Giám định tư pháp, sau nhiều phiên họp UBTV Quốc hội, Ban soạn thảo (Bộ Tư pháp, Bộ Y tế) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tư pháp của QH) giữ quan điểm chỉ thành lập Cơ quan giám định pháp y thuộc Sở Y tế, bỏ Cơ quan giám định pháp y thuộc Công an tỉnh, thành phố. Để bạn đọc có thêm thông tin, báo SK&ĐS xin đăng tải ý kiến của PGS.TS. Trần Văn Liễu, Chủ tịch Hội Pháp y Việt Nam.
Pháp y ngành y tế - Lực lượng chủ lực
Hiện nay đang có 2 luồng ý kiến trái chiều, theo dự thảo Luật Giám định tư pháp quy định không còn pháp y công an trong Phòng kỹ thuật hình sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh) mà hoạt động pháp y chỉ còn Trung tâm Pháp y cấp tỉnh thuộc Bộ Y tế. Ý kiến ngược lại: Cần duy trì pháp y công an cấp tỉnh thuộc Bộ Công an.
Trên thực tế, dự thảo Luật Giám định tư pháp quy định không còn pháp y công an cấp tỉnh là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Về phía ngành y tế có hệ thống các bệnh viện, các viện nghiên cứu từ Trung ương đến địa phương, với các trang thiết bị hiện đại, các chuyên gia đầu ngành phục vụ cho pháp y. Ngành y tế có 42 chuyên khoa, trong đó có chuyên khoa pháp y chuyên đào tạo bác sĩ pháp y cho cả nước để phục vụ cơ quan tố tụng. Hiện nay, hệ thống pháp y của ngành y tế có từ Trung ương đến địa phương. Trung ương có Viện Pháp y Quốc gia ở Hà Nội và Phân viện Pháp y Quốc gia ở TP. Hồ Chí Minh. Ở 63 tỉnh, thành đều có pháp y thuộc Sở Y tế, trong đó đã có 39 trung tâm, 16 phòng và 8 tổ chức giám định pháp y đã được thành lập với 861 giám định viên. Trong khi đó, pháp y công an chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố có bác sĩ pháp y, mỗi tỉnh, thành phố có từ 1 - 2 bác sĩ thuộc Phòng kỹ thuật hình sự. Về thực hiện giám định: theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm pháp y ngành y tế giám định trên 50.000 vụ việc. Năm 2010 cả nước có 61.547 vụ phải giám định; pháp y ngành y tế giải quyết 50.712 vụ chiếm 82,4%, pháp y công an giám định 10.835 vụ chiếm 17,6%. Như vậy, hầu hết các vụ giám định pháp y trong cả nước đều do pháp y Bộ Y tế giải quyết.
Đem lại nhiều lợi ích
Việc không còn pháp y công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung giám định pháp y cấp tỉnh vào Trung tâm Pháp y thuộc ngành y tế đem lại nhiều lợi ích: khắc phục được những bất cập còn tồn tại trong Pháp lệnh Giám định tư pháp, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 49/NQ-TW xác định hoàn thiện thể chế giám định tư pháp về pháp y. Hệ thống pháp y thống nhất, hoàn thiện từ Trung ương tới địa phương, tạo được thế ổn định phát triển lâu dài, đổi mới và hội nhập. Tránh được đầu tư dàn trải, lãng phí về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Với những minh chứng nêu trên cho thấy không cần duy trì pháp y công an cấp tỉnh. Đây là điểm đột phá của Luật Giám định tư pháp về giám định pháp y, khắc phục được những bất cập còn tồn tại trong Pháp lệnh Giám định tư pháp.
PGS.TS. Trần Văn Liễu
Theo Suckhoe&doisong