Tin tức chuyên ngành

Lặng thầm đi tìm lại tên liệt sĩ

3 năm trước | 811

Nhiều năm qua, chị đã cùng các đồng nghiệp ở Viện Pháp y quốc gia - Bộ Y tế thực hiện thành công việc xác định danh tính hàng nghìn hài cốt liệt sĩ, góp phần đền ơn đáp nghĩa cho những người, những gia đình có công với Tổ quốc. 

Lặng thầm đi tìm lại tên liệt sĩ

Quên hết cả sợ…

Tôi gặp Ths Chu Thị Thủy tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vào đầu năm 2021, được chứng kiến việc khai quật 99 ngôi mộ liệt sĩ, lấy mẫu sinh phẩm để xác định danh tính. Đây là hài cốt của các liệt sĩ đã hy sinh tại Viện K20 - Bệnh viện Miền Đông Nam Bộ, thời điểm đóng quân trên địa bàn xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Cam-pu-chia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau đó được quy tập và an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) huyện Đức Cơ. 

Nhiệm vụ của một giám định viên không cho phép mềm yếu, chần chừ, chị khẩn trương tìm kiếm mẫu phẩm phù hợp nhất cho việc giám định ADN trong những bộ hài cốt mới được đưa lên khỏi mộ. Bàn tay chị nhẹ nhàng gạt từng lớp đất mỏng, kiên nhẫn lần tìm từng chiếc răng, mẩu xương còn cứng, chắc để giữ lại… Cứ như vậy, chị tỉ mỉ làm việc đến quên cả thời gian, không gian nơi nghĩa trang. Trong đầu tôi cứ trở đi trở lại câu hỏi, có động lực nào khiến một phụ nữ còn trẻ như chị lại đủ can đảm để thực hiện công việc nhiều khó khăn, trở ngại này!? 

Từ năm 2016, Viện Pháp y quốc gia là một trong những đơn vị tham gia Đề án xác định hài cốt liệt sĩ (HCLS) còn thiếu thông tin của Chính phủ. Mỗi năm Viện nhận và đi lấy hàng nghìn mẫu hài cốt để xét nghiệm ADN, xác định danh tính liệt sĩ. Là một thành viên chính của nhóm xét nghiệm ADN các HCLS còn thiếu thông tin, chị Thủy đã nhiều lần trực tiếp tham gia lấy mẫu HCLS tại các nghĩa trang và cũng là giám định viên trực tiếp thực hiện toàn bộ quá trình xét nghiệm ADN. 

“Tôi nhớ mãi lần đi lấy mẫu phẩm HCLS tại NTLS Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đó là ngày 8/10/2018, tôi cùng một đồng nghiệp nhận nhiệm vụ vào NTLS để lấy mẫu sinh phẩm hài cốt 46 ngôi mộ liệt sĩ của một trung đoàn có thông tin liệt sĩ trên bia tưởng niệm tại nghĩa trang nhưng không có tên trên bia mộ. Khi đến nơi đã khoảng 21 giờ đêm, tôi cùng đoàn thân nhân lên đài tưởng niệm liệt sĩ tại nghĩa trang để thắp hương và thầm đọc những dòng thông tin về các liệt sĩ ghi trên bia tưởng niệm mà hai dòng nước mắt cứ tuôn chảy. Hầu hết các liệt sĩ nằm tại đây hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, có liệt sĩ mới vừa tròn 18 tuổi. Những ngôi mộ hàng nối hàng trải dài trong nghĩa trang, hầu hết không có tên trên bia mộ… Mỗi phần mộ, khi bật nắp lên chỉ toàn thấy cát vì khi người dân an táng liệt sĩ đã phủ cát kín trong quách. Phải đào bới phần cát ra để thấy được hài cốt và phải tìm rất tỉ mỉ mới nhặt được vài mẩu xương đã nát vụn hoặc vài chiếc răng đã mục. Đêm tối, muỗi trong nghĩa trang rất nhiều, toàn là muỗi vằn. Tôi bị muỗi đốt khắp người, rất ngứa, mà tôi không thể cho tay gãi được. Thỉnh thoảng không chịu được, tôi phải chạy ra chỗ chân tượng đài để sát tay, sát chân vào tường cho đỡ ngứa. Chúng tôi làm việc đến 3 giờ sáng thì hoàn thành việc lấy mẫu. Tuy nhiên, trong số 46 ngôi mộ, chỉ có ba mộ là có mẫu hài cốt đạt yêu cầu cho việc giám định, số hài cốt còn lại đều đã bị phân hủy, mẫu mủn nát vụn. Ngay sáng sớm hôm đó, chúng tôi mang số mẫu hài cốt trở ra Hà Nội để kịp thời tiến hành việc giám định ADN, xác định danh tính các liệt sĩ”.

Câu chuyện chị Thủy kể mỗi lúc càng làm tôi thêm cảm phục. Nhớ lần đi lấy mẫu tại NTLS huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, chị đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy HCLS được người dân địa phương mai táng trong chum sành và chôn xuống đất chỉ hai phần chum, còn một phần chum để “lộ thiên”. Công việc của chị là phải lấy toàn bộ hài cốt lên và phân loại, đánh giá hình thái để lựa chọn được mẫu phẩm phù hợp nhất cho việc giám định ADN. Nhưng độ sâu của chum khoảng hơn nửa mét, chị đưa cả cánh tay vào trong vẫn không thể lấy được phần xương sọ. Phải chui đầu vào chum mới lấy được hết toàn bộ hài cốt ra ngoài… Ở nhà, chị chưa bao giờ tham gia việc bốc mộ. Nhưng khi lao vào công việc là chị quên hết mọi sợ hãi, kiêng kỵ để có thể lấy được mẫu phẩm tốt nhất cho việc xét nghiệm. 

Lặng thầm đi tìm lại tên liệt sĩ -0
Lấy mẫu hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ, 

Chung dòng nước mắt với thân nhân liệt sĩ

Hầu hết các liệt sĩ khi hy sinh đều được chôn cất sơ sài trong những cánh rừng, bên bờ con suối, hay triền đồi, dốc núi, sau hàng chục năm mới được cất bốc đưa về nghĩa trang. Qua nhiều năm nằm sâu trong lòng đất, do tác động khắc nghiệt của thiên nhiên và thời gian, phần lớn các hài cốt đã bị phân hủy, nên rất khó khăn trong việc giám định ADN. 

Hiện nay, phương pháp giám định gen ty thể để xác định mối quan hệ huyết thống theo dòng mẹ được coi là phương pháp hữu hiệu nhất đối với các mẫu HCLS lâu năm. Nhưng phương pháp này đang gặp rất nhiều hạn chế đối với các mẫu HCLS hoàn toàn không có thông tin do việc xác định mối quan hệ huyết thống theo dòng mẹ rất rộng. Với nhiều mẫu hài cốt, giám định viên phải thực hiện nhiều phương pháp khác nhau nhưng kết quả vẫn không được như mong muốn. Thời gian qua, Viện Pháp y quốc gia đã xét nghiệm hàng nghìn mẫu HCLS, có hơn 700 mẫu thân nhân được so sánh nhưng chỉ có hơn 100 mẫu thân nhân là trùng ADN với hài cốt. “Mỗi khi đối chiếu trình tự ADN thấy kết quả giám định hài cốt và thân nhân trùng nhau là tôi vui sướng như chính mình tìm được người thân. Tôi trực tiếp gọi điện cho thân nhân để hỏi thông tin về liệt sĩ. Khi báo tin kết quả trùng khớp, mọi người trong gia đình đã òa khóc vì vui sướng. Lúc đó, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc!”, chị Thủy tâm sự. 

Phía sau mỗi kết quả giám định ADN là một câu chuyện cảm động về hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của thân nhân. Như trường hợp liệt sĩ Lê Ngọc Thành, quê ở phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Từ một bức ảnh chân dung hai cô gái mà đội quy tập tìm thấy khi cất bốc HCLS đưa về an táng tại NTLS thị xã Bến Cát (Bình Dương) được đăng trên trang web nhantimdongdoi.org cùng những dòng tin, gia đình liệt sĩ Lê Ngọc Thành ở Thanh Hóa đã tìm được nơi an táng liệt sĩ. Tuy nhiên, ngôi mộ mà gia đình đề nghị giám định ADN lại không cùng huyết thống. Thật bất ngờ, trong quá trình giám định ADN 89 HCLS chưa xác định thông tin, được an táng tại NTLS thị xã Bến Cát (Bình Dương), giám định viên Chu Thị Thủy đã phát hiện ra một mẫu HCLS có ADN trùng khớp với mẫu thân nhân liệt sĩ Lê Ngọc Thành…

Ông Bàn Văn Tăng, ở bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La có người anh trai là liệt sĩ Bàn Văn Chiêu, sinh năm 1957, hy sinh tháng 3/1983 trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới nhưng nhiều năm qua gia đình không biết phần mộ. Cách đây ba năm, qua chỉ dẫn của hai người đồng đội, gia đình ông mới biết được nơi chôn cất liệt sĩ Bàn Văn Chiêu trong khu rừng Hoàng Liên Sơn. Nhờ sự hỗ trợ của các đồng đội liệt sĩ, chính quyền và người dân địa phương, gia đình ông đã tìm thấy ngôi mộ ở thôn Phú Hợp 2, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Khi khai quật mộ để lấy mẫu xét nghiệm thì hài cốt đã bị phân hủy mạnh. Với sự kiên trì và nỗ lực của giám định viên Chu Thị Thủy, sau mấy lần lấy mẫu xét nghiệm, đã đủ cơ sở kết luận ngôi mộ đó chính là mộ liệt sĩ Bàn Văn Chiêu. 

Nhớ lại những trường hợp như thế, chị Thủy xúc động: “Tôi biết là thân nhân đã vất vả như thế nào để tìm được ngôi mộ mà gia đình hy vọng là của liệt sĩ nhà mình, nên chúng tôi luôn phải cố gắng hết sức, bằng mọi phương pháp, cập nhật kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để áp dụng. Tuy nhiên, không phải lần nào cũng cho kết quả như mong muốn. Mỗi một kết quả thông báo mẫu xấu không xét nghiệm được ADN là bấy nhiêu nỗi băn khoăn và day dứt của người làm nghề như chúng tôi”.

Ai đó đã ví những người làm công tác giám định HCLS lâu năm như chị Thủy là những người “mò kim đáy biển”. Một công việc lặng thầm, khó khăn, ít hy vọng nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn, chị Thủy cùng các đồng nghiệp vẫn kiên trì, không bỏ cuộc. Và phía sau những giọt nước mắt hạnh phúc trong ngày “trở về” của các liệt sĩ, luôn có sự giúp sức không nhỏ của các cán bộ giám định pháp y. Chị tâm niệm: “Tôi luôn tự nhủ rằng, công việc mình đang làm là sự gửi gắm niềm tin và hy vọng của biết bao gia đình liệt sĩ. Tôi luôn coi đó là nguồn động lực to lớn để vượt qua được những khó khăn và thử thách trong công việc”.

Từ năm 2016 đến tháng 12/2020, Viện Pháp y quốc gia đi lấy mẫu sinh phẩm HCLS tại các NTLS và nhận mẫu từ Cục Người có công là 5.477 mẫu, trong đó đã trả kết quả giám định ADN được 4.015 mẫu.

Theo Báo Nhân Dân


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)