Tin tức chuyên ngành

Nên đưa giám định pháp y về ngành y tế

11 năm trước | 2293

Sáng 29/5, QH thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Giám định tư pháp (GĐTP). Nhiều ý kiến tập trung thảo luận về tổ chức GĐTP công lập, đặc biệt là tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh.

Nên đưa giám định pháp y về ngành y tế
Theo báo cáo giải trình, hiện còn hai luồng ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh. Có ý kiến nhất trí với Tờ trình và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, theo đó, tổ chức giám định pháp y gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc TW (thuộc ngành Y tế); Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự - Bộ Công an. Như vậy, riêng ở tỉnh, thành phố trực thuộc TW (cấp tỉnh) sẽ không còn Giám định viên pháp y tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp.
 
Giám định pháp y là hoạt động chuyên môn của ngành y tế
 
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, việc tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành y tế sẽ khắc phục hiện tượng phân tán của giám định viên; tạo điều kiện để Chính phủ tập trung đầu tư phát triển ngành giám định pháp y theo hướng chuyên trách đạt hiệu quả và nâng cao chất lượng giám định.
 
Ảnh minh họa. 
Theo ĐB Thu Anh, hoạt động giám định pháp y là hoạt động chuyên môn của ngành y tế, để có kết luận giám định chính xác, giám định viên cần có sự hỗ trợ của cơ sở vật chất, máy móc chuyên ngành. Giám định viên ngành y tế đã có thời gian phát triển, được thành lập từ TƯ đến cấp tỉnh và cơ bản được kiện toàn. Bên cạnh đó, số lượng giám định viên ngànhY tế nhiều hơn ngành Công an, thực hiện nhiều vụ việc hơn. Trên thực tế, nhiều khi lực lượng công an chưa có sự tách bạch giữa hoạt động giám định pháp y với khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, để giám định pháp y trong ngành y tế đảm đương được nhiệm vụ giám định pháp y, đại biểu Thu Anh đề nghị QH quy định cụ thể lộ trình thực hiện, có thể là 3 năm sau khi Luật được ban hành.
 
Cùng có quan điểm này, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, thực trạng tổ chức và hoạt động giám định pháp y nhiều năm qua còn thiếu thống nhất và manh mún. Quy định tổ chức giám định pháp y công lập theo phương án 1 sẽ làm cho ngành giám định pháp y quy về một mối, thống nhất từ Trung ương đến địa phương... ĐB Linh cũng cho hay, ở các nước, công việc GĐTP đều do ngành tư pháp và y tế làm. Công an làm dù khách quan đến đâu thì niềm tin của dân cũng không trọn vẹn. Đơn cử, trường hợp phạm nhân chết trong trại tạm giam mà lực lượng giám định của Công an đưa ra kết luận thì rất khó thuyết phục.
 
Chưa nên mở rộng xã hội hóa GĐTP

ĐB Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên thảo luận.
Về vấn đề xã hội hóa ngành GĐTP, ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng xã hội hóa ngành GĐTP với việc cho phép hình thành các tổ chức GĐTP ngoài công lập là chủ trương đúng đắn và đáp ứng sự phát triển của xã hội. Hoạt động này sẽ khuyến khích nguồn lực của xã hội và tận dụng chất xám của các ngành khác tham gia vào hoạt động này. Tuy nhiên ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nêu ý kiến, trong giai đoạn hiện nay, việc xã hội hóa hoạt động GĐTP là rất cần thiết nhưng cũng cần có giới hạn, chưa nên mở rộng. Do đó, nên giới hạn hoạt động này trong một số lĩnh vực như: tài chính, ngân  hàng, xây dựng, bản quyền tác giả…

Nhất trí với chủ trương thành lập các tổ chức GĐTP ngoài công lập, song ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) vẫn băn khoăn với quy định cho phép thành lập tổ chức GĐTP ngoài công lập với các đối tượng cổ vật, di vật. Theo ĐB Học, đây là những hiện vật có giá trị lâu đời về văn hóa, hoạt động giám định sẽ rất phức tạp vì vậy QH nên nghiên cứu xem xét điều này

Theo Báo suckhoe&doisong
 

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

1 bình luận

6 năm trước
Nên giao công việc giám định về pháp y tử thi,thương tích,tình dục,hồ sơ,hài cốt...về cho các trung tâm pháp y cấp tỉnh hoa trung ương,để đúng với chuyên môn,chuyên nghành y tế và mang lại tính khách quan hơn,yên tâm hơn khi người dân được cơ quan pháp luật trưng cầu giám định,đây là một việc nên làm ngay và hết sức cần thiết,đúng với đặc thù công việc.

Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)