Tin tức chuyên ngành

Những bác sĩ pháp y lật nắp quan tài để phá án

7 năm trước | 2506

 

Có những cái chết sẽ mãi bí ẩn, gây hồ nghi với người đang sống nếu không có sự giải mã của bác sĩ pháp y.

Những bác sĩ pháp y lật nắp quan tài để phá án

Không thể quên lần vào miền Tây Nam Bộ khám nghiệm tử thi người đã được chôn nhiều tháng, Chủ tịch Hội Pháp y học Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia Ngô Hường Dũng cho hay khi khai quật, ông phát hiện khung xương lồng ngực của nạn nhân bị gãy nát. Từ đây, nguyên nhân tử vong được xác định do lực tác động liên hồi rất mạnh từ phía trên trực diện nện xuống.

Căn cứ kết luận này, cơ quan điều tra phát hiện vụ án mạng thương tâm. Nạn nhân chết vì sự thiếu hiểu biết và mê tín mù quáng của cha mẹ. Theo ông Dũng, nhà chức trách xác định cha mẹ nạn nhân khi con ốm vì tin trong người con có tà ma nên đã giữ tay chân để thầy cúng "bắt ma".

Khi con tử vong do bị giẫm vào ngực, cha mẹ cùng thầy cúng đã nhanh chóng chôn cất, nói rằng chết do bệnh. Tuy nhiên sau đó có thông tin nghi ngờ nên nhà chức trách tổ chức khai quật.

Bọng nước trong phổi tử thi giải oan cho người vợ

Lần khác, ông Dũng nhận yêu cầu giám định, khai quật tử thi một nam giới chôn đã hơn hai năm. Người chết được cho là trên đường đi uống rượu về bị ngã xuống mương nước, tử vong tại chỗ. Do vợ chồng họ trước đây có mâu thuẫn, gia đình anh này "đổ" nghi ngờ lên cô vợ và liên tục gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. 

Ông Dũng kể, tử thi chôn đã lâu, theo lẽ thường sẽ chỉ còn khung xương nhưng do gia đình cẩn thận đã để áo quan lồng trong một quách xi măng dầy nên khi mở ra thi thể vẫn gần như còn nguyên vẹn. Khi khám nghiệm, ông Dũng cùng các đồng nghiệp tìm được các dấu hiệu cho thấy người chồng chết vì ngạt nước.

Trên cơ thể, phần xương không phát hiện thương tích. Kết quả xét nghiệm cho thấy không có độc tố trong cơ thể. Với các kết quả này, gia đình người chồng mới thôi không nghi ngờ con dâu sát hại chồng.

Xuyên đêm tìm mẩu xương sườn gẫy

Phó giáo sư Nguyễn Trọng Toàn, nguyên viện trưởng Viện Pháp y Quân đội kể không thể quên một vụ án lạ xảy ra ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội khi một bên nói nạn nhân chết do bị đánh, nhiều người khác bảo chết do hô hấp nhân tạo không đúng cách. Khi ông Toàn nhận làm giám định, thi thể đã chôn được 7 ngày.

Theo ông, về nguyên lý, xương sườn rất dễ gẫy, đánh cũng gẫy mà hô hấp nhân tạo sai cách cũng gây ra hệ quả này. Tuy nhiên tính chất gãy khác nhau. Nếu xương sườn gẫy bị đánh thì nó cong lên, đỉnh của góc gẫy quay vào trong. Nếu vì hô hấp nhân tạo thì đỉnh gãy sẽ quay ra ngoài.

Khi khai quật, ông thấy thi thể có thương tổn ở xương sườn. Tuy nhiên, đúng vị trí góc gãy, một mẩu xương nhỏ lại bị bong mất. "Vì thế không biết nó quay vào trong hay quay ra ngoài. Nhiệm vụ là phải đi tìm mẩu xương đó?", ông kể.

Và vị giáo sư cùng cậu học trò giúp việc bắt đầu lục quan tài để tìm mẩu xương ấy. "Hai thầy trò hì hục tìm, khai quật suốt từ đêm đến trưa hôm sau mới xong", ông Toàn nhớ lại.

Đến khi tìm thấy mẩu xương, ghép vào phần khuyết, hai thầy trò mới thở phào nhẹ nhõm. Từ đây, xương sườn nạn nhân được xác định gẫy trong lúc thực hiện hô hấp nhân tạo.

Hai năm mua báo theo dõi dư luận lên án mình

Là bác sĩ pháp y, khi làm giám định để giải mã khúc mắc của những trọng án, hay những vụ án nhạy cảm, nhưng nhiều khi kiến thức chuyên môn phải nhường chỗ cho sự phẫn nộ của dư luận. Phó Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia Ngô Hường Dũng kể, vụ án hình sự khiến ông mệt mỏi và khổ tâm nhất là giám định nguyên nhân tử vong của một anh thanh niên chết trong tình trạng treo cổ ở buồng tạm giữ của công an phường.

Theo thông tin vụ án, người thanh niên chạy trên đường bằng xe máy đã xảy ra va quệt vào một cháu nhỏ đi xe đạp cùng chiều. Vài người đi đường thấy vậy đã bênh vực cháu nhỏ và to tiếng với anh này. Người thanh niên tức giận về nhà lấy dao, gậy, mã tấu tới tính sổ với những người gây hấn với mình. Sự việc bị công an phường phát hiện và đưa anh ta về trụ sở...

Gia đình nghi vấn cho rằng công an phường đã đánh chết người thanh niên rồi treo cổ tạo hiện trường giả. Nhiệm vụ của ông Dũng là giám định để tìm nguyên nhân cái chết của nạn nhân.

Khi ông xác định nạn nhân chết vì treo cổ chứ không có dấu hiệu bị đánh đập, gia đình nạn nhân đã không chấp thuận kết luận này. 

Cùng thời điểm, một cơ quan giám định khác được trưng cầu và cho kết quả trái ngược. "Tôi phải hứng chịu búa rìu của dư luận. Suốt hơn hai năm ròng khi vụ án được điều tra và xét xử, hàng ngày tôi đều đi mua báo để xem người ta chửi mình, chẳng còn thiếu ngôn từ gì để sỉ nhục tôi nữa”, ông Hường kể.

Theo ông, cho đến khi nhận thấy tính chất của vụ án vô cùng nghiêm trọng, một đoàn giám định liên ngành cao cấp được thành lập. Kết quả giám định cho thấy việc kết luận của ông Dũng là chính xác. "Vụ án đơn giản vậy nhưng ám ảnh tôi không thể quên", ông nói và chia sẻ từ đó trở đi mỗi khi tham gia giám định các vụ án hình sự đều chịu thấy rất áp lực, dù biết chắc rằng mình làm đúng.

 

Theo Vnexpress


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

1 bình luận

7 năm trước

hi bác. cháu Huỳnh Thị Bích Ngọc sinh năm 1992 tot nghiệp y sỹ đa khoa, cháu rất đam mê công việc giám định pháp y mà k có cách nào để cháu có thể tiếp cận công việc này. cháu mê lắm bác ạ, mong 1 ngay nào đó bác đọc đc phản hồi này của cháu, bác cho cháu theo học việc thôi cũng dc ạ. bác đừng ngại vì cháu là con gái nhé. cháu đam mê là lắm ạ, không ngại khó, ngại khổ đâu ạ.
đây là sdt của cháu ạ. 01699224963


Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)