Nỗ lực biến ước mong của gia đình, thân nhân liệt sĩ thành hiện thực
Ngày 14/10/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (gọi tắt là Đề án 150). Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình các liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Từ năm 2016, Viện Pháp y quốc gia bắt đầu tham gia Đề án 150 thực hiện giám định ADN các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Nhưng trước đó, Viện cũng đã nhiều lần phối hợp với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trong công tác này và qua những câu chuyện được các giám định viên của Viện kể lại có thể thấy, với mong muốn được tri ân liệt sĩ, các cán bộ Viện Pháp y quốc gia đã nỗ lực ngày đêm để biến ước mong về “ngày trở về” của gia đình, thân nhân liệt sĩ thành hiện thực.
Tháng 5/2015, đoàn cán bộ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Viện Pháp y Quốc gia lên đường đi lấy mẫu hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại tỉnh Khăm Muộn - Lào đã được quy tập tại Nghĩa trang Ba Dốc, tỉnh Quảng Bình. Suốt chặng đường hơn 500 km vào đến Quảng Bình, trời mưa và rét. Sáng ngày tiến hành khai quật, trời vẫn mưa, gió lạnh thổi ù ù. Nhưng các thành viên trong đoàn vẫn động viên nhau làm việc để không phụ lòng chờ mong của các liệt sĩ và thân nhân.
Bắt tay vào làm, các giám định viên của Viện Pháp y quốc gia như quên hết không gian, thời gian ở xung quanh. Họ miệt mài, tỷ mỷ, cẩn trọng từ ngôi mộ đầu tiên đến mộ cuối cùng. Những đôi bàn tay nhẹ nhàng gạt từng lớp đất mỏng để tìm những mẩu xương, thận trọng phân biệt xương với các vật lạ khác. Có ngôi mộ hài cốt vẫn còn một phần, nhưng cũng có ngôi mộ hài cốt đã phân hủy hết. Nhưng các giám định viên xác định phải cố gắng kiếm tìm dù chỉ mẩu xương nhỏ, nếu không thì sẽ rất khó có căn cứ để xác định danh tính cho liệt sĩ.
Tại nghĩa trang là vậy, còn tại phòng xét nghiệm của Viện Pháp y quốc gia, không khí làm việc nhằm xác định danh tính liệt sĩ cũng khẩn trương và cẩn trọng không kém. Thấu hiểu được nỗi mong mỏi của vong linh liệt sĩ cũng như của thân nhân gia đình về một ngày đoàn tụ nên các giám định viên trong phòng đều rất cố gắng. Được biết, khó khăn trong lúc làm việc thì vô cùng nhiều, vì có những liệt sĩ đã hy sinh gần 50 năm nên hài cốt đã mủn gần hết, các giám định viên phải vê tay từng mẩu đất để tìm từng mảnh xương dù rất nhỏ, thậm chí có mộ chỉ còn duy nhất vài mẩu răng nên việc giám định không hề dễ dàng…
Tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Viện Pháp y quốc gia vẫn còn lưu giữ lá thư cảm ơn của bà Trần Thị Tuyết - con gái liệt sĩ Trần Viết Cáp hy sinh ngày 7/7/1953 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bức thư viết: “Nhờ sự giúp đỡ tích cực nên thủ tục xét nghiệm ADN của bố tôi rất nhanh. Chỉ sau 10 ngày, Viện Pháp y Quốc gia với các thạc sĩ, bác sĩ còn rất trẻ, nhưng thái độ ân cần, chu đáo, làm việc tận tình, đã có kết quả ADN chính xác… Khi tiếp xúc với họ, tôi thật sự xúc động trước ân tình của các bác sĩ trẻ”.
Mong được hóa giải khó khăn để tiếp tục công tác tri ân liệt sĩ
Để thực hiện Đề án 150, cán bộ Viện Pháp y quốc gia đã trực tiếp tham gia lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ tại nhiều nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. (Ảnh VPYQG)
Có thể nói, xác định đây là công việc để tri ân những người đã đổ máu xương cho Tổ quốc, cho nền hòa bình dân tộc nên tất cả tất thảy các giám định viên, cán bộ của Viện Pháp y quốc gia đều không nề hà, cố gắng làm hết sức.
TS. Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho biết, từ năm 2016, Viện bắt đầu tham gia Đề án 150 và sau gần 7 năm tham gia, Viện đã thực hiện giám định ADN hài cốt và thân nhân liệt sĩ đạt được nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, từ năm 2016, Viện đã tiến hành nhận 5.504 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ và 2.584 mẫu thân nhân so sánh. Trong đó, 2.286 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ do thân nhân và các Sở LĐTBXH của các tỉnh lấy mẫu và 3.218 mẫu sinh phẩm hài cốt do cán bộ Viện trực tiếp tham gia lấy mẫu tại các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) như NTLS Việt Lào, Bến Cát, Định Hóa, Anh Sơn, Kỳ Anh, Phổ Yên, NTLS ở Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai, Gia Lai, Bình Phước, Quảng Ngãi…
“Viện Pháp y quốc gia đã phân tích thành công 1.641 mẫu hài cốt liệt sĩ, đồng thời phân tích và so sánh với 946 mẫu thân nhân liệt sĩ, có 125 trường hợp ADN mẫu hài cốt liệt sĩ trùng mẫu thân nhân so sánh. Những mẫu hài cốt chưa có thân nhân so sánh được lưu giữ trình tự ADN trong ngân hàng gen… Ngoài những mẫu đã phân tích, Viện đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đi 22 lượt lấy mẫu tại gần 30 NTLS ở khắp các địa phương trên toàn quốc theo yêu cầu của Cục Người có công, Bộ LĐTBXH. Hiện tại, Viện còn đang lưu giữ 2.152 mẫu sinh phẩm hài cốt để chờ phân tích ADN, đa phần là các mẫu chưa có thân nhân so sánh…” - ông Nhự cho biết.
Cũng theo Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, dù vẫn biết rằng công tác giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là không thể nề hà bởi sự chờ đợi của gia đình, thân nhân liệt sĩ là đã quá lâu dài, nhưng Viện cũng gặp không ít khó khăn.
“Viện Pháp y quốc gia là đơn vị giám định rất hiệu quả theo mục tiêu của Đề án 150. Cần biết rằng, việc giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ đòi hỏi cán bộ có trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, đồng thời phụ thuộc nhiều vào chất lượng mẫu sinh phẩm thu được. Các mẫu hài cốt lâu năm càng ngày chất lượng mẫu càng kém, nên khi thực hiện ADN có khi phải tiến hành phân tích lặp lại nhiều lần, kết quả nhiều trường hợp không thu được trình tự ADN để so sánh với thân nhân để lưu giữ trình tự, hoặc có nhiều mẫu hài cốt thu được nhưng chưa có mẫu thân nhân để so sánh.
Khó khăn là vậy, nhưng cho đến nay, Viện vẫn chưa được đầu tư theo kinh phí của Đề án 150 của Chính phủ. Để thực hiện công việc giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, Viện phải sử dụng các trang thiết bị Bộ Y tế đầu tư cho công tác giám định tư pháp, đó là chưa kể đến việc hàng năm phải bổ sung thiết bị mới để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật giám định ngày càng hiện đại”, ông Nhự cho biết.
Cũng theo ông Nhự, chi phí giám định hài cốt hiện tại áp dụng theo Thông tư số 34/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định cho lĩnh vực giám định tư pháp còn bất cập, quá thấp so với các chi phí cho hóa chất, vật tư tiêu hao… trong giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Hiện nay, vì chưa có biểu chi phí giám định mẫu sinh phẩm hài cốt và thân nhân liệt sĩ phù hợp với tình hình chi phí giám định ADN thực tế, khiến việc thanh toán chi phí giám định từ năm 2021 đến nay đang bị trì hoãn, bên cạnh đó những mẫu hài cốt được giám định nhiều lần nhưng do điều kiện chất lượng mẫu kém không thu được kết quả cũng chưa được thanh toán chi phí giám định… gây rất nhiều khó khăn cho công tác giám định ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ nói riêng và cho Viện nói chung.
Kết luận ngày 4/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi thăm và làm việc với các đơn vị giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đã nhấn mạnh: “Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và các kết quả đã đạt được trong thời gian qua của các bộ, cơ quan trong việc tổ chức thực hiện Đề án 150, đặc biệt là các cán bộ, nhà khoa học, nhân viên trực tiếp triển khai nhiệm vụ tại các đơn vị giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”.
Cũng trong kết luận này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Bộ LĐTBXH chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, các bộ và cơ quan liên quan đề xuất phương án nâng cấp, hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Việc xây dựng đơn giá đặt hàng cho giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, việc thanh toán cho những mẫu làm nhiều lần mà không thu được kết quả giám định ADN … Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hướng dẫn thực hiện.