Tin tức chuyên ngành

Phát hiện giống người lạ

11 năm trước | 2183
 
Mới đây, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện được xương của năm người có khả năng là đại diện cho một giống người chưa được biết đến. Bằng phương pháp đồng vị phóng xạ, các nhà nghiên cứu đã xác định những bộ xương này có niên đại 11.500 – 14.500 năm...
Phát hiện giống người lạ
 Việc phân loại chính xác các hiện vật này – chủ nhân của chúng thuộc giống người nào - vẫn còn là một câu hỏi mở. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã có thể đưa ra một số giả định thú vị.

Các mẫu nghiên cứu được phát hiện từ hai nơi. Hộp sọ đầu tiên được tìm thấy năm 2009 trong các khối đá trầm tích vốn được khai thác ở hang động Longlin thuộc tỉnh Quảng Tây từ năm 1979. Một số hài cốt khác được phát hiện vào năm 1989 trong hang Hươu đỏ (Maludong) ở tỉnh láng giềng Vân Nam. 

Những chiếc sọ và răng của những bộ hài cốt được phát hiện ở hai địa điểm này rất giống nhau, vì vậy các nhà nhân chủng học cho rằng họ thuộc về cùng một giống người của thời cổ đại. Hiện họ được tạm gọi là “người của động hươu đỏ”.


Những mảnh xương này được các nhà nhân chủng học Trung Quốc lưu trữ, nhưng từ năm 2008 đến nay, giới khoa học bắt đầu có những nghiên cứu sâu hơn về chúng. Kết quả nghiên cứu của một nhóm chuyên gia quốc tế vừa được đăng tải trên tạp chí PLoS One. 

Theo BBC News, ở những mảnh xương này có các đặc tính hỗn hợp giữa cổ xưa và hiện đại: vòm sọ tròn với xương dày, các đường gồ trán khá cao, khuôn mặt khá ngắn và hơi bẹt, mũi rộng. Các hàm của những người này hơi nhô về phía trước, nhưng cấu trúc cằm có hơi khác so với cằm của người hiện đại. Đặc biệt, họ có răng hàm rất lớn.

Phát hiện giống người lạ
Hộp sọ của “người hang động hươu đỏ” 

Hình ảnh X quang của hộp sọ cũng nói lên được một đôi điều về não của những người này. Thùy trán của họ rất giống với người hiện đại, nhưng các thùy đỉnh thì lại giống với người cổ đại. 

Phát hiện này mở ra một trang còn thiếu trong lịch sử tiến hóa của con người trong giai đoạn “xâm thực” châu Á. Dân hang động hươu đỏ chia sẻ không gian với những người thuộc các giống người hiện đại tại thời điểm khi trên vùng đất thuộc lãnh thổ Trung Quốc ngày nay diễn quá trình chuyển đổi từ săn bắt, hái lượm sang canh tác nông nghiệp và con người đã bắt đầu có thể sản xuất đồ gốm thô sơ.

Tiến sĩ Darren Kearney của Đại học New South Wales, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu mới đây khẳng định: “Những hiện vật hóa thạch này có thể thuộc một giống người mà trước đây chúng ta chưa biết đến, đã sống sót cho đến khi kết thúc thời kỳ băng hà cách đây khoảng 11.000 năm. 

Phát hiện giống người lạ
Phục dựng ngoại hình giống người mới được phát hiện 

Ngoài ra, họ có thể đại diện cho một trường hợp di cư sớm (và cho đến nay chưa được biết đến) của con người từ châu Phi, đồng thời rất có thể họ không có bất cứ một kết nối di truyền nào với những người đang sống ngày nay như chúng ta”.

Ở đây cũng cần thiết phải làm rõ rằng theo khái niệm hiện đại của các chuyên gia nhân cổ học, con người rời khỏi cái nôi của mình - châu Phi - không phải một lần mà là nhiều đợt độc lập nhau, đến nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Cho đến nay, tại lục địa Đông Á người ta chưa bao giờ tìm thấy xương hoặc hóa thạch xương của người tiền sử có niên đại dưới 100.000 năm mà có sự khác biệt so với loài của chúng ta - Homo sapiens. Vì vậy, việc phát hiện “người hang động hươu đỏ” có thể hé mở cho ta thấy một số kịch bản tiến hóa có thể từng diễn ra trong quá khứ xa xôi.

Trước hết, những người này có thể đại diện cho một phân loài nguyên thủy của người Homo sapiens, từng rời lục địa đen rất sớm và hàng chục ngàn năm sống cách biệt với tổ tiên của người hiện đại, mặc dù trong cùng một khu vực. 

Phát hiện giống người lạ
Công việc khảo cổ ở hang động Hươu đỏ 

Thứ hai, họ có thể đại diện cho một loài trước đây chưa biết của giống Homo, và đây có lẽ là lựa chọn thú vị nhất.

Thứ ba, họ có thể là một loài lai giữa Homo sapiens và loài cổ xưa của con người đã tồn tại trong cùng một khu vực trong cùng một thời đại.

Thứ tư, họ vẫn có thể là Homo sapiens, nhưng là một nhóm đặc biệt bị cô lập, đã phát triển đặc tính “cổ xưa” như là một kết quả của áp lực môi trường (biến đổi khí hậu) và bị cách ly di truyền thực tế.

Các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định dứt khoát nên đặt người tiền sử mới được phát hiện ở Trung Quốc vào vị trí nào trên cây phả hệ của loài người. Hiện tại, họ đang cố gắng trích xuất DNA từ xương để tiến hành so sánh gien với người hiện đại và các loài người cổ đại đã được biết đến.

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)