Tin tức chuyên ngành

Sản phụ chết, bệnh viện không tiên lượng?

11 năm trước | 10557
Sau khi chị Nguyễn Thị Anh Thư (SN 1984) sinh con xong được 9 tiếng, gia đình chị được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thông báo sản phụ bị giảm tri giác đột ngột, tiên đoán vỡ mạch máu não dẫn đến hôn mê sâu. Sau 2 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Thư đã qua đời...
Sản phụ chết, bệnh viện không tiên lượng?
Hiện Bệnh viện Bạch Mai chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Thư, nhưng lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định chị Thư được theo dõi chặt chẽ và bệnh viện không có lỗi trong sự việc này.

Qua đời khi chưa kịp nhìn mặt con
 

Bé Phạm Phương Linh, con gái của chị Thư và anh Thịnh, được bà ngoại bế sau khi tắm. Bé rất kháu khỉnh đáng yêu. Bé và mẹ còn chưa kịp nhìn nhau…
 

Theo lời kể của anh Phạm Văn Thịnh (chồng chị Thư) và bà Đoàn Thị Báu (mẹ đẻ chị Thư, trú tại phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội), thì chị Thư có dấu hiệu trở dạ vào 3h sáng ngày 5/5. Tuổi thai lúc này là 39 tuần, thai nhi khỏe mạnh bình thường. Từ thời điểm bắt đầu trở dạ ở nhà riêng đến lúc vào khoa cấp cứu của bệnh viện, chị Thư nôn liên tục.

Các bác sỹ khoa sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chỉ định chị Thư phải đẻ mổ do chị bị tiền sản giật (chân sưng phù nề, bị nôn nhiều) và người được gia đình yêu cầu để mổ cho chị Thư là bác sỹ Đặng Phạm Quang Thái (bác sỹ Thái cũng chính là người đã theo dõi thai định kỳ cho chị Thư từ khi chị có bầu được 7 tuần đến lúc đẻ).

Dù gọi điện thông báo lúc 4h sáng, nhưng bác sỹ Thái cho biết “chưa đẻ đâu” và đến 6h sáng thì bác sỹ Thái có mặt tại bệnh viện.

Lúc 6h20 phút sáng 5/5, ca mổ đẻ hoàn tất, gia đình được bác sỹ Thái thông báo “mẹ tròn con vuông”, bé gái (tên Phạm Phương Linh) nặng 3,6kg. Sau đó, sản phụ được chuyển đến phòng hậu phẫu. Vì nôn nóng và sốt ruột nên gia đình muốn được gặp, nhưng các bác sỹ không đồng ý vì “đó là nguyên tắc”. Vì thế, từ 6h20 sáng đến gần 3 giờ chiều, cả nhà không ai biết thông tin gì về chị Thư.

Về bức xúc của gia đình liên quan đến chuyện không ai được vào thăm bệnh nhân suốt từ lúc đẻ xong đến tận lúc bệnh nhân gặp sự cố, ông Ánh chỉ nói ngắn gọn: “Gia đình nóng ruột là điều đương nhiên. Nhưng bệnh nhân có làm sao đâu mà phải cập nhật tình hình liên tục cho người nhà? Mọi thứ diễn ra ở nơi có máy móc hiện đại nhất, được theo dõi chặt chẽ và bác sỹ kiểm soát tốt”.

Đến hơn 3h chiều thì anh Phạm Văn Thịnh nhận được một cú điện thoại của một người tự xưng là Ánh – Phó Giám đốc bệnh viện. Ông Ánh yêu cầu anh Thịnh xuống gặp để trao đổi tình hình sức khỏe của vợ anh.

“Lúc xuống gặp, ông Ánh cho biết vợ tôi sinh xong không thể đi tiểu được, bệnh viện đã tiêm thuốc lợi tiểu nhưng vẫn không đỡ. Khi được gặp vợ thì tôi đã thấy cơ thể cô ấy phù lên, đồng tử giãn, hôn mê sâu, tay chân mềm nhũn. Ông Ánh cho biết phải chuyển vợ tôi lên Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu. Sau khi chuyển viện, các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đã chụp cắt lớp và gia đình được thông báo vợ tôi bị suy gan, thận, tim, máu tràn lên não”, anh Thịnh thuật lại.

Anh Thịnh nói thêm là lúc anh xuống gặp ông Ánh là hơn 3 giờ chiều, nhưng phải đến hơn 5 giờ chiều vợ anh mới được chuyển viện vì còn phải chờ bệnh viện làm thủ tục hành chính!

Sau 2 ngày hôn mê sâu, nằm bất động, dù được khoa Hồi sức Tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cứu chữa hết sức, nhưng chị Thư đã qua đời khi chưa kịp nhìn mặt con gái.

Cú sốc này đã khiến bố chồng chị - vốn mang bệnh tim – bị choáng và phải đi cấp cứu trong Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, đồng thời khiến toàn bộ gia đình chị đảo lộn.

Bệnh viện không tiên lượng được bệnh


Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Duy Ánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã giải thích từng điểm mà gia đình đang bức xúc, thắc mắc khi cho rằng chị Thư “chết oan” vì bác sỹ thiếu trách nhiệm.

Giấy tờ siêu âm, khám thai của chị Thư tại phòng khám của bác sỹ Thái cho thấy sức khỏe chị và thai nhi đều tốt.

Theo ông Ánh, chỉ định mổ đẻ đối với chị Thư là chính xác, vì chị bị tiền sản giật, huyết áp cao, phù nề nặng.

“Sau khi ca mổ thành công, chị Thư được chuyển về phòng hậu phẫu theo dõi chặt chẽ. Sau đó bệnh viện đã tiêm thuốc lợi tiểu, nhưng chị Thư không đỡ. Đến khoảng 2g chiều, các bác sỹ phát hiện chị Thư bị giảm nhanh tri giác, rơi vào tình trạng hôn mê. Khi chuyển đến BV Bạch Mai, các bác sỹ của bệnh viện này đã chụp cắt lớp và chẩn đoán ban đầu là bệnh nhân bị chảy máu não đột ngột”, ông Ánh thuật lại toàn bộ quá trình.

Theo ông Ánh, dù Bệnh viện Bạch Mai chưa đưa ra nguyên nhân cuối cùng khiến chị Thư tử vong, nhưng ông nhận định nguyên nhân tử vong là do bị tiền sản giật dẫn đến chảy máu não khiến động mạch não vỡ rất nhanh.

Khi được hỏi “vì sao bị tiền sản giật lại gây ra chảy máu não, vỡ động mạch não?”, ông Ánh không giải thích, chỉ khẳng định: “Đó chính là câu hỏi đang được đặt ra với chúng tôi”.

Theo những thông tin ban đầu ông Ánh nhận được, thì các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đang nghi chị Thư có dị dạng trong mạch máu não. Ông cũng khẳng định thêm là với một người bệnh bị tiền sản giật, lại có dị dạng trong mạch máu não thì chuyện vỡ mạch máu não nếu có sẽ xảy ra trong tích tắc, đột ngột và lượng máu chảy ra rất nhanh, rất nhiều, “chỉ trong vòng mấy phút thôi là đã đủ để bệnh nhân hôn mê rồi”.

“Nếu không kiểm tra toàn bộ trước khi sinh thì bệnh viện phụ sản chúng tôi không thể biết được những dị dạng như thế này (dị dạng ở não), vì thế không thể tiên đoán được chính xác diễn biến của người bệnh (dù người bệnh được theo dõi chặt chẽ). Thực sự là với chị Thư, chúng tôi không lường trước được rằng chị có thể bị chảy máu não, bởi huyết áp của chị không cao lắm, còn tiền sản giật thì đã được kiểm soát tốt rồi”, ông Ánh cho biết.

Về chuyện làm thủ tục hành chính mất hơn 2 tiếng theo như phản ánh của chồng chị Thư, ông Ánh khẳng định “anh Thịnh nhớ nhầm”: “Lúc đó tôi thăm khám bệnh nhân không quá 3 phút là phát hiện ra vấn đề. Tôi trao đổi với anh Thịnh chưa đầy 5 phút, trong khi trao đổi thì bên ngoài xe cộ, cáng đã chuẩn bị xong và chính anh Thịnh cùng tôi đưa chị Thư lên cáng để chạy lên Bạch Mai. Trên đường đi tắc nghẽn thế nào thì tôi không rõ nhưng tôi khẳng định là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã làm nhanh hết sức có thể để cứu bệnh nhân”.

Dù khẳng định bệnh viện của mình “không có lỗi” về chuyên môn trong sự việc này, nhưng ông Ánh cũng thẳng thắn nói đây là một “kinh nghiệm” các bác sỹ phải rút ra: “Chị Thư bị tiền sản giật, huyết áp trung bình, đã được điều trị ở nơi có điều kiện tốt nhất bệnh viện.

Không có bất cứ dấu hiệu gì để tiên lượng chị có thể bị vỡ mạch máu não, vậy mà cuối cùng vẫn bị vỡ mạch. Sau sự việc này, chúng tôi cũng phải phổ biến đến toàn bộ các bác sỹ một điều: Ngay cả với bệnh nhân bị tiền sản giật nhưng huyết áp trung bình thôi thì cũng đã có nguy cơ vỡ mạch để các bác sỹ xử lý kịp thời và thông báo trước với gia đình bệnh nhân”.

Trên thực tế, ông Ánh cho biết, để tránh những nguy cơ do tiền sản giật gây nên thì có thể dùng thuốc để dự phòng. Tuy nhiên, không thể dùng bừa bãi và lạm dụng thuốc bởi nó có thể khiến sản phụ tụt huyết áp và thai nhi bị chết.

VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến nguyên nhân tử vong của chị Thư.

Theo ông Ánh, hiện nay tiền sản giật là 1 trong 5 tai biến sản khoa phổ biến nhất trên thế giới. Thế giới hiện cũng chưa biết hết nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh. Vì thế, việc dự phòng và điều trị còn nhiều hạn chế.
Tại Việt Nam hiện đang có một đề tài cấp quốc gia nghiên cứu về tiền sản giật. Đây là công trình nghiên cứu toàn diện và sâu về tiền sản giật để đi tìm câu trả lời cho nguyên nhân, diễn biến của bệnh (thậm chí có thể nó còn liên quan đến cả yếu tố di truyền). Hiện công trình khoa học này mới được bắt đầu.
Theo VietnamNet

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)