Ngày 18-3, Bộ Tư pháp tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia cho dự thảo lần thứ hai - dự án Luật Giám định tư pháp. Trong 41 tỉnh có pháp y y tế và pháp y công an thì 24 tỉnh không có sự phối hợp, gây khó khăn, tranh giành nhau về vụ việc giám định.
Trong hội thảo, có một cuộc tranh luận gây chú ý giữa đại diện Viện Pháp y quốc gia và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) xung quanh việc có nên sát nhập pháp y công an và pháp y y tế thành một hệ thống hay không. Theo dự thảo luật, tổ chức giám định pháp y vẫn duy trì ở cả ba ngành: y tế, công an, quân đội. Tuy nhiên, phía ban soạn thảo vẫn sẽ cân nhắc về ý kiến không nên duy trì pháp y trong ngành công an.
Dễ thì làm, khó thì đẩy
Phó Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia Phạm Xuân Toàn nhận xét: “Sự phối hợp giữa pháp y công an với pháp y y tế hiện không tốt”. Số liệu của Viện Pháp y quốc gia cho hay trong 41 tỉnh có pháp y y tế và pháp y công an thì 24 tỉnh không có sự phối hợp với nhau trong giám định, thậm chí còn gây khó khăn cho nhau, tranh giành nhau về vụ việc giám định theo hướng “thấy dễ thì làm, thấy khó thì đẩy”. Tháng 9-2009, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi hai bộ Y tế và Công an yêu cầu phối hợp giải quyết nhưng đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Theo ông Toàn, do cùng một mục đích, cùng một nhiệm vụ và để tránh tình trạng mất đoàn kết, mất niềm tin nên cần sát nhập hai cơ quan trên thành một hệ thống tổ chức pháp y trực thuộc Bộ Y tế.
Ông Toàn cho biết đồng tình với quan điểm của Viện Pháp y quốc gia, tháng 10-2010, bộ trưởng Bộ Y tế đã có công văn báo cáo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng: Dư luận không đồng tình việc một vụ án công an vừa khởi tố, vừa điều tra, vừa khám nghiệm hiện trường, vừa giám định pháp y. Nhất là giám định những vụ việc xảy ra ở nơi nhà giam, nhà tạm giữ, trại cải tạo hoặc bị chết trong những trường hợp bị công an truy bắt.
“Pháp y y tế không đủ sức”
Không đồng tình với đề xuất trên, Thiếu tướng Ngô Tiến Quý, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), cho rằng: “Trong điều kiện hiện nay không nên đặt ra vấn đề này vì pháp y y tế không đủ điều kiện đảm đương nhiệm vụ, cả về trình độ của cán bộ lẫn điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật”.
Ông Quý khẳng định chỗ ông được trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, không hề lạc hậu so với quốc tế. Pháp y công an có những điểm chuyên nghiệp hơn hẳn pháp y y tế…
Ngược lại, để thuyết phục thêm ý kiến sát nhập, ông Phạm Xuân Toàn cho biết pháp y công an có từ rất lâu khi pháp y y tế còn tản mát nhưng đến nay, pháp y công an cũng mới chỉ có ở 41/63 địa phương. Trong khi pháp y trong y tế thì có Viện Pháp y quốc gia ở trung ương và tại 63 tỉnh, thành đều có các trung tâm, phòng hoặc tổ chức giám định pháp y…
Cố ý giám định sai phải bồi thường?
Dự thảo luật quy định tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết luận giám định sai, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân có liên quan; người được phân công thực hiện giám định phải bồi hoàn thiệt hại cho tổ chức chủ quản theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Xuân Toàn góp ý nên thêm vào cả hai ý của khoản này cụm từ “cố ý kết luận sai” thì phải bồi thường. Nguyên do vì kết luận giám định phụ thuộc nhiều vào trình độ và kinh nghiệm của giám định viên. Trong khi nhiều người hiện nay không được đào tạo chính quy nhưng do thiếu người nên vẫn phải bổ nhiệm làm giám định viên.
Mặt khác, trang thiết bị để giám định không được quan tâm nên rất thiếu thốn, lạc hậu… Hiện cũng chưa có quy trình, quy chuẩn trong chuyên môn giám định pháp y nên kết quả mỗi nơi mỗi khác là khó tránh.
Cần tổ chức giám định riêng về văn hóa
Trong buổi tổ chức góp ý tại TP.HCM, Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp TP.HCM) Trần Văn Bảy nói đây là một lĩnh vực giám định đa dạng và nhạy cảm nên phải có sự chuyên nghiệp. Đặc biệt, mảng này còn liên quan đến tình hình an ninh chính trị của quốc gia... Việc thẩm định một tài liệu có phải là tài liệu phản động chống phá Nhà nước hay không rất quan trọng. Thực tế trong quá trình phối hợp, Sở Tư pháp nhận thấy giám định viên lĩnh vực này kêu ca nhiều vì chức năng hạn chế...
Giám định viên Nguyễn Văn Sơn (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM) bộc bạch: Ông làm giám định lĩnh lực này đã 15 năm rồi mà vẫn còn thấy nó trừu tượng, mơ hồ huống chi là người non kinh nghiệm. Khi một mẫu giám định liên quan đến nhiều tỉnh, địa phương thì việc ủy thác qua Tổng cục An ninh còn hạn chế... Cho nên cần thiết phải nâng cấp thành trung tâm giám định về văn hóa nhằm nâng tầm lĩnh vực này lên để bổ sung giám định viên chuyên trách, vừa chuẩn vừa đỡ cực.
Cũng theo ông Sơn, năm 2010 ở TP.HCM đã xuất hiện một vụ có yêu cầu giám định về đồ cổ, mỹ thuật và lĩnh vực này thì mới mẻ và khó về chuyên môn. Trong tương lai sẽ có nhiều loại việc này, nếu được nâng cấp lên trung tâm giám định thì sẽ đào tạo những giám định viên chuyên biệt để tiến hành.
Thiếu chế tài xử lý
Quan sát các vụ án phải trưng cầu giám định, nhất là lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi, chúng tôi nhận thấy những tồn tại như chưa có ràng buộc trách nhiệm pháp lý và chế tài xử lý cụ thể. Khi giám định viên, tổ giám định kéo dài, trễ thời hạn, họ đưa ra các lý do biện minh. Trong khi nếu kết luận không chính xác thì cũng khó xử lý bởi quan niệm “vụ việc phức tạp, khó giám định”.
Mặt khác, với việc trưng cầu chính tổ giám định thuộc các bộ, ngành, chúng tôi có lý do để nghi ngờ sự khách quan, vô tư. Chẳng hạn, khi cơ quan điều tra cần điều tra vụ án rút ruột công trình giao thông, bản trưng cầu giám định được gửi đến chính ngành GTVT và ngành này lại sử dụng giám định viên mình quản lý. Chắc chắn giám định viên này dù muốn hay không cũng bị chi phối.
Luật sư NGUYỄN VĂN CHIẾN,
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Cân nhắc khi nới quyền…
Hiện nay, bị can và những người tham gia tố tụng khác được trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định, được yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Những việc này đều được ghi vào biên bản. Trường hợp cơ quan điều tra, VKS không chấp nhận yêu cầu của bị can, những người tham gia tố tụng khác thì phải nêu rõ lý do và thông báo cho họ biết…
Do đó, nên cân nhắc kỹ việc có cho phép bị can và những người tham gia tố tụng khác quyền yêu cầu trưng cầu giám định hay không. Đổi mới hoặc cải cách là việc tốt nhưng quan trọng nhất vẫn là phải giữ vững được an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Đại diện cơ quan điều tra (Bộ Công an)
Tư nhân không làm được
Tôi cho rằng không thể xã hội hóa lĩnh vực giám định văn hóa bằng cách thành lập các văn phòng giám định tư nhân vì sẽ ảnh hưởng đến cá nhân giám định viên. Vì mảng văn hóa thường đụng chạm đến đầu nậu, an ninh quốc gia… nên giám định viên không thể để lộ mặt cho những đối tượng vi phạm biết được, khi ấy độ nguy hiểm sẽ cao.
Giám định viên NGUYỄN VĂN SƠN,
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM
Theo phapluattp.vn