Tin tức chuyên ngành

SỰ CẦN THIẾT ĐƯA PHÁP Y VỀ NGÀNH Y TẾ

11 năm trước | 4926
 Kính thưa: Quí Đại Biểu quốc hội ngành Y tế
Dự thảo Luật giám định tư pháp đến nay đã qua nhiều lần thảo luận nhưng vẫn còn có ý kiến trái chiều về pháp y nên quy về một mối hay vẫn tồn tại ở cả hai ngành Y tế và Công an như hiện nay...
SỰ CẦN THIẾT ĐƯA PHÁP Y VỀ NGÀNH Y TẾ

 
 
BỘ Y TẾ 
VIỆN PHÁP Y QUỐC GIA
 
Số:      /BC-PYQG
 
 
 
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM  
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
   
 
                  Hà Nội, ngày       tháng       năm 2012
 


SỰ CẦN THIẾT ĐƯA PHÁP Y VỀ NGÀNH Y TẾ
  
Kính thưa: Quí Đại Biểu quốc hội ngành Y tế
 
          Dự thảo Luật giám định tư pháp đến nay đã qua nhiều lần thảo luận nhưng vẫn còn có ý kiến trái chiều về pháp y nên quy về một mối hay vẫn tồn tại ở cả hai ngành Y tế và Công an như hiện nay. Theo ý kiến của Lãnh đạo Bộ Y tế và Viện Pháp y Quốc gia cũng như Sở Y tế các địa phương, Pháp y phải đưa về ngành Y tế, đáp ứng với yêu cầu của công cuộc cải cách Tư pháp nước nhà, đặc biệt được Nghị quyết 49/ NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020, mang tính hội nhập phù hợp với thông lệ Quốc tế với những căn cứ sau :   

          1. Căn cứ yếu tố lịch sử:

          Theo tài liệu còn lưu trữ, trước năm 1945, Giám định pháp y chủ yếu do các Giáo sư, các bác sĩ thuộc Trường Đại học Y, Bệnh viện trung ương và Bệnh viện các tỉnh đảm nhận.
          Ngày 12/12/1956, Bộ Tư pháp - Bộ Y tế có Thông tư liên bộ số 2795/HC-TP Quy định về một số điểm cụ thể trong công tác Giám định pháp y, quy định cho các Sở Y tế, Ty Y tế thực hiện công tác này. Trong Thông tư có ghi: “Từ trước tới nay sự phối hợp giữa cơ quan Y tế với Công an, Tòa án trong công tác giám định pháp y đã đem lại kết quả tốt là sự giúp cho cơ quan điều tra khám phá ra một số vụ phạm pháp”.
          Những năm 1975 - 1980, do điều kiện kinh tế đất nước khó khăn, bác sĩ ở miền Nam di tản, bác sĩ miền Bắc phải tăng cường cho miền Nam, sự dàn trải ấy làm cho lực lượng bác sĩ mỏng, hơn nữa, chế độ chính sách cho những người làm Pháp y chưa được quan tâm, mặt khác cũng không có chế tài khi từ chối làm Pháp y, do vậy Giám định viên pháp y Y tế bị mai một. Để đáp ứng yêu cầu công việc, lực lượng Công an buộc phải tự hình thành bộ phận pháp y để đáp ứng được nhiệm vụ trước mắt.
          Năm 1988, Nghị định 117/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng được ban hành, thành lập các Tổ chức giám định pháp y, lúc này Y tế và Công an đều hoạt động chung trong Tổ chức pháp y, UBND tỉnh hoặc Sở Y tế quản lý.
          Từ khi Pháp lệnh Giám định tư pháp ra đời ngày 29/9/2004 thì một số tỉnh Pháp y Công an đã tách ra trực thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh. Như vậy Pháp y nước ta chủ yếu do Y tế đảm nhiệm và đã có lịch sử lâu dài, đến nay cả 63 tỉnh thành Y tế đều có pháp y và hầu hết là các Trung tâm chuyên trách theo Pháp lệnh Giám định tư pháp.
          Theo thống kê, Pháp y Công an hiện tại có 42/63 tỉnh và Thành phố. 

2. Căn cứ khoa học:

          Pháp y là Khoa học của ngành Y, ngành Y đào tạo ra tất cả các chuyên ngành y từ sơ cấp đến đại học và sau đại học do một giáo trình, một hệ thống các trường Đại học Y, trường Đại học Y Dược, các Viện thuộc ngành Y tế. Dù Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có Cục Quân y, có một số bệnh viện nhưng cũng do Y tế chỉ đạo. Chuyên ngành Pháp y hiện nay đều do các Bộ môn Pháp y của Trường đại học Y và Viện Pháp y Quốc gia giảng dạy. Các bác sĩ pháp y trong cả nước cũng được đào tạo từ đây ra.
          Viện Pháp y Quốc gia (và trước đây là Viện Y học tư pháp TW) đã có 16 khóa đào tạo về nghiệp vụ pháp y tại Viện và hàng chục các lớp tập huấn tại địa phương cho cả Pháp y y tế và Pháp y công an. Tham gia nghiên cứu hàng trăm đề tài cấp Bộ và cấp cơ sở về lĩnh vực giám định pháp y.         
          Cho đến nay, các tài liệu giảng dạy về Pháp y đều do các Tác giả là những chuyên gia Pháp y trong ngành Y tế biên soạn như “Bài giảng pháp y” (Tác giả PGS.TS Trần Văn Liễu - Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Pháp y). Các sách về chuyên ngành Pháp y do Nhà xuất bản Y học phát hành như cuốn “Chấn thương với giám định pháp y” của PGS.TS Đinh Gia Đức (Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Pháp y). Các cuốn “Ngạt cơ học”; “Pháp y treo cổ”; “ Pháp y giới tính”; “Pháp y tình dục” tác giả là TS. Vũ Dương (Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia).
          Để Pháp y có kết luận mang tính khoa học, khách quan và chính xác Bộ Y tế đã ban hành quyết định của bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành qui chế bệnh viện, số 1895/BYT-QĐ ngày 19 tháng 9 năm 1997, chỉ đạo cả hệ thống các Bệnh viện từ trung ương đến địa phương sẵn sàng phục vụ cho Pháp y khi giám định viên yêu cầu, sự hỗ trợ của kiến thức chuyên khoa, của trang thiết bị để Pháp y đáp ứng được nhiệm vụ. Vì tất cả các vụ án liên quan đến sức khỏe, nhân phẩm và tính mạng con người, nhiều vụ án Pháp y là nguồn chứng cứ duy nhất cho cơ quan tố tụng.

          3. Căn cứ cơ sở thực tiễn:

          Số lượng Giám định viên pháp y Y tế hiện tại là 1023 trong đó 2/3 có trình độ trên đại học, có đội ngũ Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp I; cấp II.
          Về thực hiện giám định theo trưng cầu của Cơ quan điều tra, Cơ quan tố tụng, hầu hết đều do Pháp y y tế thực hiện. Theo tài liệu của Bộ Công an báo cáo năm 2010 trên cả nước có 61.547 vụ phải giám định Pháp y, pháp y Y tế giải quyết 50.712 vụ (chiếm 82,4%); pháp y Công an giám định 10.835 vụ (chiếm 17,6%); số liệu trên cũng phù hợp với báo cáo của Viện Pháp y Quốc gia. Năm 2011 pháp y tế đã giám định 60.974 vụ việc có liên quan đến pháp y.

          4. Chức năng nhiệm vụ của Pháp y và Kỹ thuật hình sự:

          - Pháp y và Kỹ thuật hình sự khi khám nghiệm tử thi có phần chung  nhưng phần lớn là riêng biệt.
          - Khi có vụ đánh nhau gây thương tích, cơ quan điều tra đến khám nghiệm hiện trường và điều tra. Bệnh nhân sau khi điều trị ổn định lúc mới giám định pháp y về tỷ lệ phần trăm, nếu cơ quan điều tra cần thì có thể trưng cầu pháp y về vật gây thương tích, cơ chế tác động... nếu pháp y xác định vết thương do vật sặc thì vật sắc đó là con dao hay mảnh kính thu lượm hung khí ngay khi khám nghiệm hiện trường là của kỹ thuật hình sự, khi giám định cơ quan trưng cầu có thể đưa hung khí là con dao, mảnh kính vỡ đến pháp y giám định với đặc điểm vết thương trên người nạn nhân là do con dao cụ thể, mảnh kính cụ thể vật nào gây ra vết thương đó.....
          - Công việc chung giữa Pháp y và Kỹ thuật hình sự, liên quan đến dấu vết trên tử thi, khi khám ngoài hai bên cùng khám quần áo, tư trang dấu vết trên thân thể bên ngoài.
          - Khi giám định bên trong thì hoàn toàn do bác sĩ Pháp y đảm nhiệm. Nhiệm vụ của Pháp y xác định nạn nhân chết do đạn thẳng, do đạn ria, bị bắn tầm kề, tầm gần, tầm xa, thương tích xảy ra khi nạn nhân còn sống hay sau khi chết, thương tích là vật nhọn, vật sắc...
          - Nhiệm vụ của Kỹ thuật hình sự phải xem cụ thể bắn từ cây súng nào, vật nhọn vật sắc nghi là công cụ gây án để sau này trưng cầu pháp y giám định hung khí .
          - Bác sĩ Pháp y nghi dấu vết trên tường là máu, nghi dấu vết trên giường, quần áo có nguồn gốc sinh học, Kỹ thuật hình sự có nhiệm vụ thu và bảo quản dấu vết này, và cơ quan điều tra trưng cầu pháp y giám định dấu vết sing học, thậm chí qua giám định gene so sánh với nghi phạm để nhận diện hung thủ.
          - Bác sĩ Pháp y xác định nạn nhân chết do chấn thương do vật tày, vật sắc nhưng vật này là cột đèn, cục đá, khúc cây, bộ phận nào của môtô hay ôtô, tốc độ của xe… là do Kỹ thuật hình sự. Kết luận của Pháp y là chết do đa chấn thương, kết luận của Kỹ thuật hình sự là chết do tai nạn giao thông, chết do ngã…
          - Vấn đề giám định tỷ lệ phần trăm bị giảm do di chứng của chấn thương, giám định vết thương do vật gì gây ra công việc đó hoàn toàn của bác sĩ Pháp y, giám định hung khí gây ra thương tích cũng do bác sĩ Pháp y, nhưng thu thập hung khí để trưng cầu Pháp y giám định là nhiệm vụ của Kỹ thuật hình sự.
          Như vậy, không thể ra mệnh lệnh mà bắt bác sĩ Pháp y làm thay Kỹ thuật hình sự và ngược lại, vì Kỹ thuật hình sự và Pháp y là hai chuyên ngành sử dụng kiến thức và được đào tạo khác nhau, trách nhiệm khác nhau.

          5. Về tính pháp lý:
 
          Trong tất cả các văn bản pháp quy có liên quan tới hoạt động của giám định tư pháp cho thấy:
          - Tại “Thông tư liên bộ Y tế - Tư pháp số 2795/HC-TP ngày 12/12/1956 quy định về một số điểm cụ thể trong công tác giám định pháp y” Gửi: - Ủy ban hành chính các Khu, Thành phố và Tỉnh - Tòa án nhân dân - Sở Y tế và Ty Y tế. Ở mục “Việc lưa chọn giám định viên” quy định: Danh sách giám định viên của tỉnh do Tòa án nhân dân tỉnh sau khi lấy ý kiến của Ty Y tế đề cử; Đối với thành phố và địa phương do trung ương lãnh đạo trực tiếp thì do Tòa án nhân dân các thành phố và địa phương ấy sau khi lấy ý kiến của cơ quan y tế sở quan… Như vậy, Thông tư này không quy định có pháp y trong lực lượng Công an.
          - Nghị định 117-HĐBT ngày 21/7/1988 về giám định tư pháp của Hội đồng Bộ trưởng, tại Điều 3 có quy định Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Bộ Quốc phòng có giám định viên pháp y.
          - Pháp lệnh Giám định tư pháp ngày 29/9/2004 của UBTVQH về giám định tư pháp quy định về Tổ chức giám định pháp y gồm:
          1. Viện Pháp y Quốc gia.
          2. Trung tâm Pháp y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
          3. Viện Pháp y quân đội; Trung tâm pháp y thuộc Viện khoa học hình sự của Bộ Công an.
          Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giám định viên pháp y trong Phòng kỹ thuật hình sự, không có tổ chức pháp y riêng.
          - Viện Pháp y Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập; các Trung tâm pháp y tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định thành lập;
          - Trung tâm Pháp y của Công an nằm trong Viện Khoa học hình sự và do Tổng cục Hậu cần ra Quyết định thành lập.

          6. Niềm tin trong giám định

          Phương án 1: không có pháp y công an tại đia phương
          Phương án 2: Khoản 5 Điều 12 qui định có giám định viên pháp y công an tại các địa phương thực hiện giám định pháp y tử thi.
          Nếu để Pháp y Công an còn tồn tại ở tỉnh, thì đó là những vướng mắc mà từ trước tới nay còn tồn tại như sau:
          Trong các trận đá bóng quốc tế để tránh thiên vị cho đội nhà, trọng tài sân, trọng tài biên, trọng tài giám sát đều không phải là người của cả hai quốc gia có đội bóng giao đấu, ngay giao đấu trong nước, người ta cũng không bố trí trọng tài có cùng địa chỉ với một trong hai đội bóng, tránh tình trạng máu đồng hương nổi lên khi phán quyết.
          Thể thao còn vậy, trong các xử lý vi phạm khác càng nên khách quan hơn, nhất là các việc liên quan đến sinh mạng con người.
          Quá trình điều tra vụ án mạng, áp dụng quy trình khép kín, từ quyết định trưng cầu đến khâu khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai… do một cơ quan chỉ đạo, dù khách quan đến đâu, người ngoài cuộc cũng vẫn nghi ngờ, dù khoa học gì đi chăng nữa niềm tin cũng không trọn vẹn.
          Nhất là các vụ chết người xảy ra đột ngột trong nhà tù, nơi tạm giam, nhà tạm giữ hoặc khi truy bắt, trên đường dẫn giải. Nhưng kết luận về nguyên nhân tử vong lại chính do cơ quan giam giữ, dẫn giải đưa ra thì dư luận khó đồng tình.
          Có người lại đặt vấn đề: Nếu vụ chết người xảy ra trong bệnh viện, ở phòng khám bệnh tư nhân, giám định của Pháp y y tế giám định, liệu có khách quan không?
          Câu hỏi đó mới nghe tưởng chừng như có lý, nhưng đi sâu vào giải quyết, thực chất lại hoàn toàn khác.
          Một vụ việc xảy ra liên quan đến y tế, Pháp y y tế tham gia giám định, đó cũng chỉ là một khâu trong chuỗi quy trình điều tra phá án. Pháp y y tế chỉ giám định tử thi còn lại khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai… do cơ quan điều tra thực hiện. Vì vậy, không thể nói; Pháp y y tế có khả năng bưng bít nguyên nhân chết người được. Đặc biệt nếu có xảy ra chết người trong quá trình điều trị, cũng chỉ là tội vô ý hoặc thiếu trách nhiệm, chứ không thể nói thầy thuốc đã dùng bạo lực làm chết bệnh nhân, hoặc có ý đồ bịt khẩu.
          Có người lại lý luận; cứ để nhiều cơ quan giám định, cơ quan trưng cầu có sự lựa chọn cho khách quan và làm nhiệm vụ đối trọng, ý tưởng ấy cũng không thuyết phục. Vì trưng cầu giám định, nhất là giám định tử thi, đây là độc quyền của cơ quan điều tra, không như món hàng, người dân thấy nơi nào tốt rẻ hợp lý là mua.
          Ngược lại, nhiều cơ quan giám định, để có sự lựa chọn và khách quan sao lại chỉ có ở Pháp y mà không có ỡ lĩnh vực khác như: Kỹ thuật hình sự, kế toán tài chính, văn hoá nghệ thuật, xây dựng…
          Việc trưng cầu ở đây do chính cơ quan điều tra thực hiện, chứ không phải những người trong cuộc có quyền, nhất là trong giai đoạn hiện nay, người dân ở vùng sâu, vùng xa, sự hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân còn hạn hẹp. Khi gia đình đang trong “tang gia bối rối” lúc nhận thức được mọi việc đã rồi.
          Để tránh tình trạng oan sai, tạo niềm tin trong giải quyết các vụ án, nên để cơ quan giám định quy về một mối, cơ quan quản lý cơ quan giám định, thật sự là trọng tài cung cấp chứng cứ khách quan khoa học, có vậy cơ quan trưng cầu tố tụng mới yên tâm, nhân dân mới tin tưởng.
          Đứng về quan hệ quốc tế và hội nhập, chúng ta là thành viên của khối Asean, cả mười nước này Pháp y cũng nằm ở y tế và tư pháp. Xa hơn là các nước tiên tiến như Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nga… Pháp y cũng nằm riêng biệt với cơ quan điều tra.

          7. Nguyên nhân pháp y đến hiện trường chậm
 
          Chiếm lĩnh hiện trường vụ án không phải nhiệm vụ của pháp y, từ khi có tin báo đến khi tiến hành khám nghiệm tử thi, phải trải qua nhiều khâu và nhiều thủ tục, như: có người chết do chất nổ cơ quan công an phải có thời gian để bảo đảm rằng không còn vụ nổ tại hiện trường tiếp theo, không còn chất độc ảnh hưởng đến giám định viên, không có sự cố đổ nhà, sập tường nguy hiểm cho giám định viên, có thời gian để kỹ thật hình sự khoanh vùng mở lối đưa tử thi ra khỏi hiện trường để không mất đi dấu vết, chứng cứ quan trọng, phục vụ cho điều tra, như vậy không phải pháp y đến là khám nghiệm tử thi ngay. Đây là quy định của pháp luật.
          Khám nghiệm pháp y là nhiệm vụ bảo đảm tính khoa học và khách quan, thao tác rất tỉ mỷ, đòi hỏi nhiều yếu tố phụ trợ như thông tin, ánh sáng, thời tiết, an ninh, thời gian đủ để tiến hành khám nghiệm.
          Từ khi có pháp y đến nay, không có quy định cho pháp y trực khám nghiệm, vì vậy ngoài giờ hành chính giám định viên, kỹ thuật viên nghỉ tự do, khi có yêu cầu giám định cần có thời gian tập trung .
          Vì pháp y không có quy định trực cấp cứu như ở bệnh viện, trực chiến đấu như công an, khi đến hiện trường phải đi nhờ xe của cơ quan trưng cầu, đây cũng là nguyên nhân góp phần đến hiện trường chậm.
          Trong tương lai, để bảo đảm tính khách quan khoa học, bảo đảm bí mật thông tin trong giám định, bảo đảm môi trường, nhất là thực hiện đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng phong tục tập quán, khi giải phẫu tử thi phải tập trung ở nhà xác chứ không mổ tại hiện trường như hiện nay .
           Hơn nữa nhiệm vụ chiếm lĩnh hiện trường có tử thi không phải nhiệm vụ của pháp y mà là nhiệm vụ của cơ quan điều tra và kỹ thuật hình sự của công an. Vậy nói pháp y y tế đến hiện trường chậm là do nhận định chủ quan của cơ quan trưng cầu, cơ quan điều tra vẫn có sự lầm lẫn chức năng nhiệm vụ giữa pháp y và lực lượng kỹ thuật hình sự của công an.
          Hiện tại chưa đáp ứng được theo mong muốn của cơ quan trưng cầu là do cơ chế chứ không phải trình độ chuyên môn, ngành y tế trong cả nước hàng ngày làm nhiệm vụ cấp cứu hàng ngàn người ở các bệnh viện từ huyện đến tỉnh lên đến trung ương, chỉ cần chậm một giây là người bệnh có thể tử vong, tại sao vẫn thực hiện được, đó là do quy định, có quy chế rõ ràng. Pháp y cũng chỉ cần có quy chế, có quy trách nhiệm, có trang bị là bảo đảm được ngay chức năng nhiệm vụ được giao.
          Đến lúc chúng ta cũng nên suy nghĩ về vấn đề hội nhập và mối quan hệ với các nước, để vừa hội nhập, đổi mới, nâng cao hiệu quả tầm vóc các Luật của Việt Nam, muốn vậy nhất thiết đưa pháp y về ngành Y tế quản lý.
          Vì vậy nên chọn phương án 1 là tốt nhất.
 
 
 
                 VIỆN TRƯỞNG
 
 
 
   
                              Vũ Dương

Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)