Nhận xét kết quả đo điện cơ và những dấu hiệu thực thể qua khám giám định tổn hại sức khỏe. Đánh giá giá trị của đo điện cơ trong giám định tổn hại sức khỏe tại Viện Pháp y Quốc gia.
ĐỀ TÀI NCKH CẤP CƠ SỞ 2011
Tên đề tài:
Đánh giá giá trị của đo điện cơ trong giám định tổn hại sức khỏe tại Viện Pháp y Quốc gia
Chủ nhiệm đề tài: BSCKI. Ngô Hường Dũng
Nhóm nghiên cứu :
1. ThS. Nguyễn Đức Nhự
2. ThS. Nguyễn Hồng Long
Tóm tắt:
Mục tiêu nghiên cứu: Nhận xét kết quả đo điện cơ và những dấu hiệu thực thể qua khám giám định tổn hại sức khỏe. Đánh giá giá trị của đo điện cơ trong giám định tổn hại sức khỏe tại Viện Pháp y Quốc gia.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 50 hồ sơ giám định tổn hại sức khoẻ của các bệnh nhân mà khi giám định có chỉ định ĐĐC trong thời gian từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 12 năm 2011 tại Viện Pháp y Quốc gia. Bao gồm: những bệnh nhân có tổn thương dây hoặc nhánh dây thần kinh đã điều trị nối hoặc hiện tại có tổn thương thực thể về thần kinh ở tứ chi; những bệnh nhân có tổn thương phần mềm rách da cơ ở chi, trên lâm sàng không thấy có biểu hiện tổn thương thần kinh; những bệnh nhân có tổn thương gãy xương di lệch nhiều, đầu xương vát nhọn; những bệnh nhân nghi ngờ có bệnh lý về cơ.
Kết quả nghiên cứu:
- Tỷ lệ loại hình tổn thương thần kinh do vật sắc chiếm tỷ lệ cao nhất 76%, tổn thương thần kinh do gãy xương chiếm tỷ lệ ít (6%).
- Tỷ lệ tổn thương thần kinh ở chi trên cao nhất, chiếm 70 %. Tiếp theo là tỷ lệ tổn thương chi dưới 18 %. Còn lại tổn thương các vùng khác chiếm tỷ lệ thấp hơn.
- Kết quả trên cho thấy thời gian ĐĐC từ 4 đến 6 tháng chiếm 30%. Từ 1 đến 3 tháng, 7 đến 12 tháng và trên 12 tháng chiếm tỷ lệ tương đương nhau. Thời gian dưới 1 tháng chỉ chiếm 8%.
- Tổn thương không ảnh hưởng đến thần kinh chiếm 56%. Tổn thương gây liệt hoàn toàn và không hoàn toàn chiếm tỷ lệ cao 16% và 20 %. Tổn thương gây rối loạn dẫn truyền thần kinh chiếm 8%.
- Tổn thương thần kinh tương ứng với dấu hiệu thực thể chiếm tỷ lệ cao 76 %. Không tương ứng với dấu hiệu thực thể là 24 %.
- Kết quả ĐĐC không làm biến đổi khung hình phạt chiếm tới 62%. Chuyển lên khung I, từ khung I lên khung II và từ khung II lên khung III lần lượt chiếm tỷ lệ là 16%, 14% và 8%.
Kết luận: Tổn thương thần kinh chủ yếu do vật sắc, ngoài ra còn có một số trường hợp do gẫy xương gây nên. Kết quả ĐĐC cho thấy tổn thương thần kinh ở nhiều mức độ chiếm tỷ lệ cao (44%). Đa số tổn thương thần kinh tương ứng với dấu hiệu thực thể. Phần lớn những trường hợp có tổn thương dây thần kinh thường làm tăng tỷ lệ THSK. Chỉ định ĐĐC trong các trường hợp có hoặc nghi ngờ có tổn thương thần kinh phát hiện được một số trường hợp giả bệnh hoặc tránh bỏ sót tổn thương, đảm bảo công tác giám định được khách quan, khoa học và chính xác.